Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình làm việc với Bộ Nội vụ
Ngày 6/6, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đã làm việc với Bộ Nội vụ về những nhiệm vụ liên quan thuộc lĩnh vực Bộ quản lý.
Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình đánh giá cao các kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao của Bộ Nội vụ thời gian qua. Bộ đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chỉ đạo, điều hành trên tất cả các lĩnh vực của mình, góp phần nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương, đóng góp vào việc thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn một số hạn chế, thiếu sót như công tác cải cách hành chính chuyển biến chậm, chưa đáp được yêu cầu của nhân dân, chưa thực sự là một trong 3 khâu đột phá, việc xây dựng văn bản pháp quy còn chậm, một số văn bản phải lùi thời gian…
Về công tác cải cách hành chính trong đoạn 2011-2015, Phó Thủ tướng cho rằng nhiệm vụ này đã đạt được một số kết quả, tuy nhiên việc triển khai cơ chế một cửa liên thông trong đăng ký kinh doanh hiện vẫn còn chồng chéo, mâu thuẫn giữa các cơ quan cần sớm giải quyết. Phó Thủ tướng yêu cầu cần công bố đúng thời hạn Chỉ số cải cách hành chính hàng năm của các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố; đôn đốc các cơ quan triển khai xác định về chỉ số hài lòng và chất lượng dịch vụ công như y tế, giáo dục; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân khi tiếp cận cơ quan hành chính nhà nước, nhất là trong hoạt động kinh doanh của người dân, doanh nghiệp bằng thủ tục hành chính gọn nhẹ, rút ngắn thời gian. Điều đó đòi hỏi xây dựng nền hành chính công thực sự công khai minh bạch, chuyên nghiệp và hiện đại. Đây là những nền tảng quan trọng để xây dựng Chính phủ liêm chính, phát triển Chính phủ điện tử.
Phó Thủ tướng lưu ý Bộ Nội vụ tham mưu, tổ chức thực hiện việc tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, tránh việc tinh giản không đúng đối tượng, sử dụng việc tinh giản không đúng mục đích. Đây là chủ trương quan trọng của Đảng và Nhà nước cần được thực hiện đồng bộ với các chính sách khác như chấn chỉnh ngay từ khâu tuyển dụng đến đánh giá, phân loại, tổ chức lại toàn bộ hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng Nhà nước chỉ giữ lại những đơn vị cần thiết, còn lại sẽ chuyển sang mô hình doanh nghiệp hoặc giải thể, giảm mạnh số lượng viên chức hiện nay.
Về tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước, Phó Thủ tướng chỉ rõ, Bộ cần tiếp tục đề xuất phương án xử lý theo tinh thần của Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015; tập trung rà soát, trình Chính phủ các văn bản sửa đổi các quy định về tổ chức bộ máy, biên chế trong các luật hiện hành không thuộc lĩnh vực tổ chức Nhà nước; quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng về việc không quy định việc thành lập các tổ chức vào luật chuyên ngành, có ý kiến rõ ràng vào văn bản thẩm định hoặc góp ý; nâng cao chất lượng công tác trong các lĩnh vực tôn giáo, thi đua-khen thưởng, văn thư lưu trữ, quản lý công tác thanh niên, phụ nữ, dân chủ cơ sở…
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, một trong những yêu cầu lớn của Bộ Nội vụ là xây dựng thể chế và ban hành chính sách đang được quyết liệt thực hiện. Đến nay, Bộ đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định về chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ khoá 14 và nhiều Nghị định quan trọng khác. Bộ sẽ tập trung xây dựng thể chế, thiết lập cơ chế một cửa ngay tại Bộ Nội vụ, trở thành cơ quan Trung ương đầu tiên xây dựng cơ chế này, tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan như với Ban Tổ chức Trung ương, Thanh tra Chính phủ, mời chuyên gia để xây dựng các đề án để trình cấp có thẩm quyền.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc với Ngân hàng Phát triển Việt Nam
Ngày 6/6, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc với Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trao quyết định bổ nhiệm ông Phạm Quang Tùng giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị VDB.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có Quyết định 929/QĐ-TTg ngày 30/5/2016 về việc bổ nhiệm có thời hạn ông Phạm Quang Tùng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị VDB, thay cho ông Nguyễn Quang Dũng, quyền Chủ tịch Hội đồng quản trị của ngân hàng này nghỉ hưu theo chế độ.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trao quyết định bổ nhiệm ông Phạm Quang Tùng giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị VDB, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh với nhân sự mới cho giai đoạn phát triển mới, VDB phải trở thành một định chế tài chính vững mạnh, đóng góp quan trọng cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, ngành và VDB hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho tổ chức bộ máy và hoạt động của ngân hàng này. Cụ thể, VDB phải nghiêm túc thực hiện Quyết định số 1515/QĐ-TTg ngày 3/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về điều lệ tổ chức hoạt động. Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo các Vụ, Cục phối hợp chặt chẽ với VDB để sớm hoàn thiện Nghị định thay thế Nghị định số 75 về tín dụng đầu tư theo hướng điều chỉnh cả tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu, bảo đảm phù hợp với các cam kết quốc tế; hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, nhất là doanh nghiệp sản xuất hàng nông sản xuất khẩu. Nghị định thay thế Nghị định 75 sẽ tạo điều kiện pháp lý để VDB xác định cơ quan chủ quản là Bộ Tài chính và thực hiện các giải pháp tín dụng phục vụ cho đầu tư, xuất khẩu.
VDB cũng sớm trình Bộ Tài chính ban hành các quy định để triển khai Quyết định 1515 của Thủ tướng Chính phủ; ban hành cơ chế tài chính và quy chế xử lý rủi ro, Đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu 5 năm tới, Đề án cho vay vốn lưu động và ngân sách không cấp bù chênh lệch lãi suất, Đề án bổ sung vốn điều lệ, phân loại nợ cho VDB...
Phó Thủ tướng đề nghị tập thể lãnh đạo và cán bộ, nhân viên của VDB nỗ lực, sáng tạo thực hiện thành công các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong năm 2016.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự Kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống Người cao tuổi Việt Nam
Ngày 6/6, tại Hà Nội, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam tổ chức gặp mặt kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập (6/6/1941 - 6/6/2016). Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã tới dự và phát biểu.
Tại buổi gặp mặt, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định những đóng góp quan trọng của người cao tuổi Việt Nam trong các giai đoạn lịch sử phát triển đất nước bằng rất nhiều hoạt động hết sức thiết thực, cụ thể.
Đặc biệt, thời gian qua, hoạt động của Hội Người cao tuổi được tổ chức khá bài bản, linh hoạt trên tinh thần tự chủ, không hành chính hóa nhưng vẫn có nền nếp, chỉ đạo thống nhất.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu thực tế hiện nay gần 80% các tổ chức đoàn thể xã hội đang hoạt động ở cấp cơ sở có lãnh đạo là người cao tuổi tham gia. Đây là nguồn lực quý giá cần phát huy tốt hơn nữa vì đa phần những người cao tuổi tham gia công tác ở cơ sở đều đã trải qua nhiều năm công tác ngoài xã hội, có kinh nghiệm và uy tín. Vì vậy, cần tạo điều kiện, có nguồn lực để hỗ trợ người cao tuổi đóng góp tích cực vào công tác tuyên truyền, phân tích, giải thích, thuyết phục từng người dân, từng gia đình, từng cộng đồng, tổ chức, doanh nghiệp về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vừa phát triển kinh tế-xã hội, vừa phải bảo đảm cuộc sống an lành hơn.
Phó Thủ tướng cho biết sẽ tiếp tục bàn bạc với lãnh đạo Hội Người cao tuổi Việt Nam về những vấn đề cụ thể từ chế độ, chính sách đến các mô hình tổ chức như quỹ chăm sóc người cao tuổi, câu lạc bộ liên thế hệ... nhằm tạo nguồn lực, bảo đảm điều kiện thực hiện công tác người cao tuổi tốt hơn nữa.
Phó Thủ tướng đề nghị chính quyền các cấp, cộng đồng xã hội, trong đó có doanh nghiệp và các nhà tài trợ cần phối hợp nhiều hơn nữa với Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam đẩy mạnh nguồn lực xã hội hóa, kết hợp với ngân sách nhà nước tổ chức ngày càng nhiều hơn, hiệu quả hơn các chương trình an sinh xã hội, chăm sóc người cao tuổi.
Văn phòng Chính phủ