Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ họp với đại diện các bộ, ngành.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Trước đó, Bộ Tài chính đã có tờ trình về việc ban hành Nghị định về tín dụng đầu tư của Nhà nước khi được ban hành sẽ thay thế Nghị định 75 về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB).
Trong dự thảo, Bộ Tài chính cho rằng các hình thức hỗ trợ sau đầu tư như hỗ trợ một phần lãi suất, hoặc chi phí vốn sau đầu tư thực chất là một khoản cấp phát từ ngân sách nhà nước qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB). Trường hợp các dự án này được sử dụng để sản xuất và xuất khẩu thì có thể vi phạm các cam kết quốc tế, chưa kể đến đa phần nhiều dự án có khó khăn về vốn, tài chính thiếu lành mạnh. Đối với một số đối tượng vay vốn trong nông nghiệp nông thôn, đóng tàu, khai thác hải sản… Do đó, trong dự thảo Nghị định này đề xuất dừng áp dụng chính sách hỗ trợ sau đầu tư.
Bộ Tài chính cũng cho rằng các chính sách tín dụng xuất khẩu vừa qua không đóng góp được nhiều trong việc tăng kim ngạch xuất khẩu. VDB không quản lý được khách hàng dẫn đến rủi ro, một số dự án không thu hồi được nợ, có khả năng ảnh hưởng cam kết quốc tế. Do đó, Bộ Tài chính cũng không đưa nội dung liên quan đến cơ chế tín dụng xuất khẩu.
Dự thảo Nghị định mới cũng loại khỏi một số danh mục vay vốn dự án thuộc một số ngành, lĩnh vực không cần thiết, không hiệu quả, có tính thương mại cao, tác động tiêu cực đến môi trường.
Lãnh đạo ngân hàng VDB cũng đã trình bày một số khó khăn phát sinh trong thực tế như tình trạng một số quy định cũ vẫn không sát với thực tế, người đi vay khó tiếp cận đến nguồn vốn, thủ tục tương đối rườm ra, lãi suất chưa thật sự hấp dẫn. Rủi ro thanh khoản tương đối cao do thường phải lấy nguồn ngắn hạn cho vay dài hạn, nợ xấu ở mức cao… Có một số ý kiến cho rằng nên giữ lại tín dụng xuất khẩu và vay ngắn hạn. Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho hay, về vấn đề tín dụng xuất khẩu và vay sẽ thảo luận thêm, đặc biệt các các ý kiến góp ý từ ngành khác nhau như Bộ Công Thương, ngân hàng… có thể vẫn duy trì nhưng chỉnh sửa có thể theo hướng thu hẹp phạm vi, siết chặt lại.
Về mặt lãi suất, Thứ trưởng Hiếu cho rằng nên dựa vào lãi suất huy động trái phiếu Chính phủ để tính toán, không nên dựa vào lãi suất ngân hàng thương mại.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá, VDB là một trong những ngân hàng thực hiện chính sách hỗ trợ tín dụng của Chính phủ với các đối tượng đặc thù, có những vấn đề tồn đọng khó khăn từ thời gian trước đây.
Việc xây dựng Nghị định phải trên cơ sở đánh giá thực trạng của chính ngân hàng, phải có chức năng nhiệm vụ rõ ràng, xây dựng đề án tái cơ cấu bước 2, nâng cấp quản trị, tái cơ cấu lại bộ máy nâng cao hiệu quả VDB.
VDB là một công cụ của Nhà nước để thực hiện các chính sách hỗ trợ tín dụng nhưng vẫn phải tuân thủ nguyên lý thị trường, không vi phạm cam kết quốc tế.
“Cần tăng cường phân cấp, phân quyền chịu trách nhiệm cho ngân hàng này, để tăng tính chủ động, một vấn đề trình bày vòng vo mấy tháng trời thì rất khó làm việc”, Phó Thủ tướng nói.
Các đơn vị, bộ, ngành liên quan cũng cần nghiên cứu thảo luận kỹ hơn về tín dụng xuất khẩu, đảm bảo thực hiện tốt các cam kết quốc tế.
Lãi suất cho vay cần căn cứ vào yếu tố đầu vào, đầu ra, căn cứ vào lãi suất huy động trái phiếu và có tính ưu đãi rõ hơn. Vì thủ tục vay vốn phức tạp, khó vay vốn nên người vay cũng khó tiếp cận hiệu quả.
Phó Thủ tướng cho rằng, cần nghiên cứu mức bảo đảm tiền vay, với tinh thần không làm khó thêm quy định người cho vay. Việc để mức bảo đảm tiền vay 10% vào các dự án nhỏ có thể đỡ tác động nhưng với các dự lớn mức bảo đảm tiền vay quá cao sẽ gây khó khăn cho người đi vay.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, sự phối hợp giữa các cơ quan soạn thảo và các đơn vị góp ý liên quan chưa được chặt chẽ.
“Các đơn vị liên quan trong thời gian tới tăng tốc thẩm định sửa đổi dự thảo Nghị định, với tinh thần các quy định phải bám sát thực tiễn, thực hiện tinh thần quản lý chặt chẽ,hiệu quả vốn tín dụng”, Phó Thủ tướng đề nghị.
Nguồn chinhphu.vn