Ninh Sơn: Phát triển ngành, nghề tiểu thủ công nghiệp còn nhiều khó khăn

(NTO) Những năm gần đây, việc duy trì và phát triển các ngành, nghề tiểu thủ công nghiệp (TTCN) ở Ninh Sơn đang đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, hiện nay các ngành, nghề này đang gặp nhiều khó khăn.

Theo bà Hồ Thị Cung, Phó Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Ninh Sơn, những năm qua ngành TTCN tại địa phương chủ yếu tập trung vào lĩnh vực sản xuất nghề gỗ, trọng tâm là nghề sản xuất đũa và điêu khắc mỹ nghệ. Một số nghề khác như cơ khí, đan lát…thì chỉ nhỏ lẻ không đáng kể. Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn là những nghề trên cũng đang chững lại bởi nguồn nguyên liệu đầu vào để các cơ sở này sản xuất hầu như không còn. Theo thống kê, hiện toàn huyện chỉ còn khoảng hơn 90 cơ sở sản xuất đồ gỗ, trong đó có 59 cơ sở sản xuất đũa.

Chúng tôi đến cơ sở sản xuất đũa của hộ ông Nguyễn Tấn Hồng, khu phố 6, thị trấn Tân Sơn, đây là một trong số ít những cơ sở sản xuất đũa trên địa bàn thị trấn còn “níu kéo” nghề tại địa phương. Ông Hồng cho biết: Số hộ sản xuất đũa ở đây đã giảm gần 80%, số còn lại thì chủ yếu sản xuất cầm chừng vì chưa biết chuyển đổi nghề gì khác, một số hộ thì đã chuyển máy móc lên khu vực Tây nguyên để làm ăn, vì ở địa phương nguồn nguyên liệu không còn nữa để sản xuất. Với hơn 25 năm gắn bó cùng nghề đũa, rõ ràng những chia sẻ của ông Hồng rất đáng trăn trở. Bởi theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên liệu sản xuất đũa tại địa phương lâu nay chủ yếu là từ gỗ, đũa dừa thì không đủ nguyên liệu, còn sản xuất đũa tre thì phải nhập nguyên liệu từ khu vực khác về nên chi phí rất cao. Thực tế thời gian qua, người sản xuất phải chấp nhận thu mua gỗ thị trường trôi nổi để sản xuất, tuy nhiên hiện nay việc thu mua như thế đã không còn bởi nếu bị phát hiện vi phạm cơ sở đó sẽ bị phạt rất nặng. Trong khi đó, nguồn gỗ mua hợp pháp từ các đơn vị kiểm lâm, lâm trường khi bán đấu giá lại rất khó đến được với những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ…

 
Nghề sản xuất đũa ở Tân Sơn đang gặp rất nhiều khó khăn ở nguyên liệu đầu vào.

Không riêng gì nghề đũa, nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ hiện tại vẫn đang rất khó khăn trong việc tìm nguồn nguyên liệu “chính thống” để sản xuất. Trước đó, một số nghề “truyền thống” đã từng có tên tuổi trên địa bàn huyện vào những năm 90 của thế kỷ trước như nghề chằm nón ở Quảng Sơn; làm chỗi đót ở Lâm Sơn…đến nay, những ngành nghề này hầu như đã “vắng bóng”. Riêng với nghề làm chỗi đót ở Lâm Sơn, qua thống kê chỉ có khoảng 7 đến 10 hộ còn duy trì sản xuất với số lượng khá “khiêm tốn”. Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Hoàng Anh, Chủ tịch UBND thị trấn Tân Sơn, cho biết: Nghề sản xuất đũa tập trung chủ yếu tại thị trấn Tân Sơn, những năm qua, ngoài việc đóng góp thêm ngân sách cho địa phương, thì quan trọng nhất nghề này đã giải quyết một lượng lớn lao động hằng năm cho địa phương với thu nhập bình quân tương đối ổn định. Đơn cử như, một cơ sở sản xuất đũa chính thì có từ 10 đến 15 cơ sở vệ tinh và mỗi cơ sở vệ tinh như thế cũng giải quyết được việc làm khoảng trên dưới 10 lao động hàng ngày. Việc thiếu nguồn nguyên liệu đầu vào rõ ràng đang ảnh hưởng rất lớn đối với nghề sản xuất đũa nói riêng và nhiều vấn đề khác tại địa phương nói chung như: giải quyết việc làm, xây dựng thương hiệu đũa… Được biết, trước đây toàn huyện có 6 tổ hợp tác, 1 doanh nghiệp và hàng trăm cơ sở sản xuất đũa (quy mô hộ gia đình) lớn nhỏ, nhưng hiện nay 6 tổ hợp tác đã giải thể, riêng doanh nghiệp An Nhiên cũng đã có đơn xin chuyển sang kinh doanh hộ gia đình không theo hướng doanh nghiệp, số cơ sở nhỏ lẻ như đã nói trên chỉ còn gần 60 hộ.

Trao đổi với chúng tôi về những giải pháp tháo gỡ của địa phương, bà Hồ Thị Cung cho biết: Trước mắt, đối với nghề sản xuất đũa và đồ gỗ mỹ nghệ, huyện sẽ xem xét, tạo điều kiện để các cơ sở tiếp cận nguồn nguyên liệu chính thống từ các đơn vị kiểm lâm, lâm trường một cách thuận lợi, với giá hợp lý. Đồng thời, sẽ tiếp tục kiến nghị Sở NN&PTNT sớm tìm kiếm, quy hoạch nguồn nguyên liệu phù hợp tại địa phương để nghề đũa phát triển lâu dài, bền vững, hướng đến xây dựng thương hiệu đũa Song Mỹ trong thời gian tới. Riêng với nghề làm chỗi đót tại xã Lâm Sơn, huyện cũng đã có giải pháp cải tổ và hướng đến xây dựng “làng nghề” vào năm 2020. Theo đó, ngoài việc khuyến khích, vận động các hộ trở lại với nghề, huyện cũng sẽ đề xuất với Sở Công Thương cần có những hỗ trợ nhất định, như: tập huấn, có chính sách hỗ trợ vay vốn, định hướng sản phẩm đầu ra…để người dân khi quay lại với nghề có thể yên tâm sản xuất.

Những giải pháp của địa phương là vậy, tuy nhiên để các ngành, nghề TTCN tại huyện Ninh Sơn nói riêng và các địa phương khác trên địa bàn tỉnh nói chung tiếp tục phát triển, tạo việc làm ổn định cho lao động nông thôn, góp phần tăng trưởng kinh tế chung của địa phương, ngoài sự nỗ lực của chính quyền huyện, các cấp, các ngành cấp tỉnh cũng cần có thêm những giải pháp thiết thực, những chính sách hỗ trợ hợp lý để cùng địa phương đưa ngành, nghề TTCN phát triển ngày vững mạnh hơn trong tương lai.