Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 105 cửa hàng kinh doanh xăng, dầu. Hầu hết các cơ sở kinh doanh chấp hành tốt quy định của pháp luật. Tuy nhiên, vẫn còn một số cửa hàng bán lẻ có hiện tượng gian lận về đo lường để trục lợi bất chính. Kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng từ năm 2013 đến nay có 17 cơ sở kinh doanh xăng, dầu vi phạm, bị xử phạt hàng trăm triệu đồng. Điều đáng nói, mức độ vi phạm ngày càng tăng và tương ứng số tiền phạt gian lận trong kinh doanh xăng, dầu tăng. Cụ thể, năm 2015 là 280 triệu đồng, gấp hàng chục lần so với năm 2014.
Lãnh đạo Sở KH&CN và Công an tỉnh ký kết Quy chế phối hợp thực hiện công tác phòng,
chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh xăng, dầu.
Đồng chí Lê Kim Hùng, Giám đốc Sở KH&CN, cho biết: Qua thanh tra, kiểm tra, phát hiện một số cửa hàng kinh doanh xăng, dầu gian lận về đo lường bằng cách thay đổi hoặc cài đặt thêm IC chương trình bộ chỉ thị điện tử, bộ truyền động, mạch tích hợp của cột đo xăng, dầu để làm sai lệch về kết quả đo nhằm trục lợi bất chính. Tình hình là vậy, tuy nhiên, việc kiểm tra độ chính xác của IC gặp khó khăn do thiếu phương tiện kỹ thuật, nên tình trạng gian lận lặp đi, lặp lại và kèo dài, gây bức xúc trong dư luận.
Sau một thời gian nghiên cứu, Sở KH&CN đã tìm ra giải pháp để ngăn chặn hành vi gian lận về số lượng xăng, dầu. Theo đó, đơn vị phối hợp với các nhà sản xuất, nhập khẩu cột đo xăng, dầu ở TP. Hồ Chí Minh thực hiện kế hoạch khảo sát và chuẩn hóa IC của 454 cột đo xăng, dầu trên địa bàn tỉnh. Hiện tại, Công ty Cổ phần Anh Thư, Công ty Cổ phần Vật tư xăng dầu, Công ty Thiết bị xăng dầu Petrolimex, Công ty Cổ phần Kỹ thuật Seen, Công ty TNHH Kỹ thuật Nam Dương, Công ty Cổ phần Kỹ thuật Phương Nam đã cử đội ngũ cán bộ kỹ thuật trực tiếp về tỉnh ta làm việc.
Đồng chí Lê Kim Hùng cho biết thêm, công tác kiểm tra được tiến hành rất hiệu quả, nhờ có phương tiện thiết bị hiện đại dễ dàng phát hiện những IC đã bị kẻ xấu điều chỉnh sai lệch. Doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu có hành vi phạm không thể vòng vo, đổ lỗi cho nhà sản xuất, vì những IC bán trôi nổi ngoài thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hoặc chương trình đo đếm không chính hãng sẽ bị loại bỏ. Từ ngày 1-7, các cột đo xăng, dầu phải gắn thiết bị in chứng từ bán hàng cung cấp cho khách hàng. Đối với nhà sản xuất, nhập khẩu cột đo xăng, dầu, khi cung cấp cột đo xăng, dầu đưa vào sử dụng lần đầu thì các bộ phận, chi tiết phải phù hợp với mẫu đã được phê duyệt, đảm bảo mới 100%. Mọi thay thế, sửa chữa, lắp đặt các linh kiện điện tử của cột đo xăng, dầu phải do chính nhà sản xuất, nhập khẩu cột đo xăng, dầu thực hiện, tránh trường hợp lợi dụng tự thay thế IC để làm sai lệch kết quả đo. Với cách làm quyết liệt như vậy, người tiêu dùng có thể an tâm về độ chính xác trong đo lường ở các cửa hàng kinh doanh xăng, dầu.
Cùng với đó, Sở KH&CN và Công an tỉnh đã ký kết Quy chế phối hợp thực hiện công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh. Chương trình ký kết nhằm tiếp tục chấn chỉnh hoạt động kinh doanh xăng, dầu, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Theo đó, nội dung quy chế phối hợp là trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến công tác phòng, chống gian lận thương mại trong lĩnh vực kinh doanh xăng, dầu; phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về kinh doanh xăng, dầu...
Điểm nổi trội của chương trình là phát huy được thế mạnh của các đơn vị để công tác thanh, kiểm tra, phát hiện, xử phạt các đối tượng gian lận một cách triệt để. Sở KH&CN cung cấp cho Công an tỉnh thông tin, tài liệu về những đơn vị cung cấp xăng, dầu, danh sách, địa chỉ kinh doanh của cửa hàng, đại lý bán lẻ xăng, dầu có dấu hiệu vi phạm để phối hợp, thống nhất biện pháp đấu tranh, phòng ngừa. Về phía Công an tỉnh, khi tiếp nhận thông tin, sẽ tham gia hỗ trợ phương tiện, kỹ thuật cần thiết để thực hiện theo nội dung Sở KH&CN đề nghị. Trường hợp phát hiện đối tượng gian lận trong kinh doanh xăng dầu sẽ bị xử phạt nặng; đồng thời, công khai danh tính để người tiêu dùng biết.
Anh Tùng