Tại đây, người bệnh được sắp xếp chỗ ở chu đáo, có khu vực riêng biệt theo giới tính và tùy mức độ bệnh. Hàng tháng, trung tâm đều phối hợp với Trung tâm phòng chống các bệnh xã hội tỉnh duy trì khám, lập hồ sơ theo dõi và nhận cấp thuốc điều trị cho người bệnh. Nhằm giúp các đối tượng được ổn định bệnh lý, bên cạnh duy trì uống thuốc đều đặn cho các đối tượng ngày 3 lần theo đúng phác đồ điều trị, trung tâm còn đẩy mạnh công tác phục hồi chức năng thông qua giải pháp lao động trị liệu, thể thao, giải trí; hướng dẫn các đối tượng tự vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi ăn ở, đảm bảo môi trường sống gọn gàng, sạch sẽ… Việc ăn uống của người bệnh tại trung tâm cũng được cán bộ, nhân viên chăm sóc tận tình. Hàng ngày, họ được ăn ba bữa: sáng, trưa và chiều. Thức ăn được nấu chín, hợp vệ sinh và có sự thay đổi thực đơn theo từng ngày. Phần ăn của mỗi bệnh nhân được ngân sách nhà nước cấp 810.000 đồng/người/tháng, ngoài ra còn chi phí tiền thuốc, tiền vệ sinh cá nhân…
Nhân viên cấp dưỡng đang chuẩn bị bữa trưa cho các bệnh nhân.
Ông Trần Đức Long, Giám đốc TTNDNTT tỉnh cho biết: Để làm tốt công tác quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho các đối tượng, Trung tâm duy trì phân công đội ngũ cán bộ, y sĩ điều dưỡng trực 24/24h.
Với người mắc bệnh tâm thần, việc người thân chăm sóc cho họ vốn đã gặp nhiều khó khăn, nhưng với 20 cán bộ, nhân viên tại trung tâm phải đảm trách chăm sóc, phục vụ suốt cả ngày lẫn đêm cho 80 bệnh nhân thì vất vả là điều hẳn nhiên. Từ theo dõi bệnh, cho uống thuốc, lo ăn ngày ba bữa, vệ sinh cá nhân, phòng ngủ…tất tần tật mọi việc lớn nhỏ ở trung tâm, cán bộ, nhân viên phải làm. Điều dưỡng Huỳnh Chữ Út Anh, tâm sự: Chăm người tâm thần khổ lắm, đau một đằng họ lại nói một. Mỗi lần uống thuốc thì phải dỗ như trẻ em. Bữa cơm cũng vậy, nhiều bệnh nhân nhất quyết không ăn, nhân viên trung tâm lại phải đút cho từng thìa. Nhiều bệnh nhân thì cả ngày chỉ ngồi thẫn thờ một góc không chịu vận động, nhân viên lại phải trò chuyện, chia sẻ, giúp họ giải tỏa tâm lý, hướng đến những điều tốt đẹp…
Từ đầu năm đến nay, trung tâm đã làm thủ tục tái hòa nhập cho 5 đối tượng đã ổn định sức khỏe được về với gia đình. Trừ 30% đối tượng bị rối loạn tâm thần mãn tính, số còn lại có thể làm những công việc nhẹ nhàng thường ngày. Để trung tâm hoạt động hiệu quả hơn trong thời gian tới, ông Trần Đức Long, Giám đốc trung tâm cho biết thêm: “Khó khăn lớn nhất của trung tâm hiện nay là chưa có bác sĩ chuyên khoa về tâm thần và chưa có nhân viên chuyên môn chăm sóc người tâm thần. Để giúp bệnh nhân nhiều hơn, chúng tôi đang cho các nhân viên của trung tâm đi đào tạo thêm về chuyên môn để nâng cao hiệu quả trong hoạt động”
Xuân Nguyên