Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp cho ý kiến dự thảo Nghị định về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ
Chiều ngày 25-5, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp cho ý kiến dự thảo Nghị định về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ, do Ngân hàng Nhà nước soạn thảo.
Sau khi nghe góp ý từ các bộ, ngành, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định, việc xây dựng Nghị định này là khó khăn khi Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm trong đầu tư, kinh doanh mua bán nợ và đồng tình với việc dự thảo Nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh dịch vụ mua bán nợ theo đúng tinh thần của Luật Đầu tư (sửa đổi).
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp cho ý kiến
dự thảo Nghị định về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ. Ảnh: dangcongsan.vn
Nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo, Phó Thủ tướng đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại các khái niệm về mua bán nợ, nhất là khái niệm kinh doanh mua bán nợ để tách bạch hoạt động mua nợ để bán với việc mua bán nợ để tái cấu trúc khoản nợ và doanh nghiệp; quy định khả thi về vốn điều lệ của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực mua bán, tư vấn và môi giới mua bán nợ, trách nhiệm điều hành hoạt động của sàn giao dịch nợ.
Phó Thủ tướng yêu cầu tinh thần xây dựng Nghị định này là không được trái với các quy định của Hiến pháp, bảo đảm quyền tự do kinh doanh, tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, đồng thời, không tạo ra phân biệt đối xử với các tổ chức kinh doanh mua bán nợ trong nước và nước ngoài trừ các quy định đặc thù như mua bán nợ bằng trái phiếu đặc biệt của VAMC.
“Một khi đã tham gia thị trường chung kinh doanh dịch vụ mua bán nợ này thì tất cả phải tuân thủ quy định, kể cả VAMC và Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC)”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính là cơ quan quản lý nhà nước về dịch vụ mua bán nợ; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì việc sửa đổi Nghị định 155/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, trong đó có quy định xử phạt khi vi phạm kinh doanh dịch vụ mua bán nợ.
Luật Đầu tư (sửa đổi) quy định đầu tư kinh doanh dịch vụ mua bán nợ là một trong các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Hiện nay, cùng với 15 ngành nghề khác thì đầu tư kinh doanh dịch vụ mua bán nợ chưa được quy định về điều kiện kinh doanh. Việc xây dựng khung khổ pháp lý cho hoạt động này là cần thiết trong bối cảnh từ ngày 01/7 tới, Chính phủ công bố điều kiện kinh doanh đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm việc với tỉnh Ninh Thuận
Ngày 25-5, sau khi đi thị sát tình hình hạn hán và kiểm tra một số công trình giao thông, thủy lợi trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã có buổi làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành và tỉnh Ninh Thuận.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chia sẻ với những khó khăn của địa phương và đánh giá cao sự cố gắng của các bộ, ngành Trung ương, tỉnh Ninh Thuận đã có nhiều nỗ lực khắc phục khó khăn để duy trì sản xuất, ổn định đời sống.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành cần chủ động, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với địa phương khắc phục, giảm nhẹ hậu quả hạn hán.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Văn Miên
Về những nhiệm vụ trước mắt, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu là việc bảo đảm lương thực, nước uống, nước sinh hoạt cho người dân. Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Ninh Thuận thường xuyên rà soát, theo dõi để hỗ trợ gạo cứu đói, nước sinh hoạt cho các hộ nghèo, khó khăn, gia đình chính sách, hộ sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại hoặc không sản xuất được do hạn hán gây ra, bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị lãnh đạo tỉnh hết sức lưu ý chỉ đạo việc bảo đảm nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho nhân dân. Đối với những nơi không có nguồn nước, phải dùng mọi biện pháp để chở nước tới cho dân, nơi có nguồn nước nhưng không bảo đảm vệ sinh thì phải phát tài liệu, hướng dẫn người dân sử dụng viên lọc nước, không để phát sinh dịch bệnh do sử dụng nước không hợp vệ sinh.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi, dự báo nguồn nước, dòng chảy trên các sông suối, kịp thời thông tin cho các cơ quan Trung ương và địa phương, người dân biết để chủ động ứng phó. Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với địa phương thường xuyên rà soát, kiểm tra cụ thể nguồn nước các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, căn cứ thông tin dự báo khí tượng, thủy văn để xây dựng kế hoạch sử dụng nước, tích nước và điều tiết nước các hồ chứa thủy điện phù hợp với khả năng nguồn nước để bổ sung nước cho hạ du vào thời kỳ khô hạn. Bên cạnh đó, chính quyền các cấp cũng cần hướng dẫn, vận động người dân chủ động đào ao, khoan giếng để bổ sung nguồn nước phục vụ sinh hoạt, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp tiết kiệm nước.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị tỉnh cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch tổng thể của các ngành, nhất là quy hoạch sản xuất, thủy lợi, cấp nước... cũng như sử dụng đất phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu, diễn biến hạn hán ngày càng gay gắt.
Cũng trên cơ sở các quy hoạch, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng các bộ, ngành và địa phương xây dựng kế hoạch đầu tư dài hạn, trung hạn và hằng năm. Theo đó, cần cân đối nguồn lực để thực hiện các kế hoạch và tập trung đầu tư cho các dự án ưu tiên, cấp bách.
Nguồn Văn phòng Chính phủ