Chiều cùng ngày, Phiên họp thứ 48 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã họp phiên bế mạc sau 1 ngày làm việc.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Hội đồng bầu cử quốc gia báo cáo sơ bộ kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
Trước đó, trong phiên họp buổi sáng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến bước đầu về Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; về kết quả Báo cáo giám sát hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học - công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2005-2015 và định hướng phát triển giai đoạn tới, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp cơ khí chế tạo.
Với đa số ý kiến tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua dự thảo Nghị quyết về tiêu chuẩn và phân loại đơn vị hành chính; dự thảo Nghị quyết quy định về phân loại đô thị.
Qua thảo luận, ý kiến chung của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành việc xây dựng 2 Nghị quyết vì đây là hai nội dung có tính chất khác nhau.
Nghị quyết về tiêu chuẩn và phân loại đơn vị hành chính quy định chi tiết thi hành Luật tổ chức chính quyền địa phương; Nghị quyết về phân loại đô thị quy định chi tiết thi hành Điều 140 Luật chính quyền địa phương; sửa đổi, bổ sung Điều 4 về phân loại đô thị của Luật Quy hoạch đô thị.
Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về tiêu chuẩn và phân loại đơn vị hành chính; dự thảo Nghị quyết về phân loại đô thị do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày cho thấy, dự thảo Nghị quyết về tiêu chuẩn và phân loại đơn vị hành chính đã được chỉnh lý lại, xếp thứ tự các tiêu chí phân loại đơn vị hành chính theo đúng quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Theo đó việc phân loại đơn vị hành chính dựa trên các tiêu chí: Quy mô dân số, diện tích tự nhiên, số đơn vị hành chính trực thuộc, trình độ phát triển kinh tế - xã hội và các yếu tố đặc thù.
Dự thảo Nghị quyết đã được chỉnh lý theo hướng áp dụng phương pháp tính điểm. Trước câu hỏi của một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban soạn thảo cho biết, đây là phương pháp đang áp dụng để thực hiện việc phân loại đơn vị hành chính.
Áp dụng phương pháp này sẽ không gây xáo trộn lớn trong việc phân loại các đơn vị hành chính so với hiện hành; đồng thời vẫn bảo đảm đổi mới trong công tác phân loại đơn vị hành chính các cấp phù hợp với từng loại đơn vị hành chính ở nông thôn, đô thị và hải đảo.
Theo đó, tổng điểm tối đa của 5 tiêu chí là 100 điểm; đơn vị hành chính nào (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã) đạt tổng số từ 75 điểm trở lên thì được phân loại I; đơn vị hành chính nào đạt tổng số từ 50 điểm đến 75 điểm thì được phân loại II; đơn vị hành chính nào đạt tổng số dưới 50 điểm thì được phân loại III.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, dự thảo Nghị quyết phân loại đô thị đã cụ thể hóa 5 tiêu chí phân loại đô thị theo hướng quy định rõ các tiêu chuẩn của tiêu chí về trình độ phát triển kinh tế - xã hội; trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc cảnh quan, hình thành nhóm các tiêu chuẩn đánh giá về hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật thiết yếu và nhóm tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường, trong đó trọng tâm xem xét, đánh giá về việc xử lý nước thải, chất thải sinh hoạt trong khu công nghiệp; giải pháp chống ngập, phát triển cây xanh đô thị.
Phụ lục tiêu chuẩn của các tiêu chí về phân loại đô thị đã quy định một số tiêu chuẩn đánh giá về kiến trúc cảnh quan đô thị, nhấn mạnh các tiêu chuẩn về tuyến phố văn minh đô thị; không gian xanh, công viên, không gian cộng cộng được xây dựng, hoàn chỉnh phục vụ đời sống tinh thần nhân dân; có các công trình lịch sử được trùng tu, tôn tạo; có các tổ hợp công trình kiến trúc hoặc công trình kiến trúc tiêu biểu.
Khẳng định đây là 2 N ghị quyết quan trọng, là cơ sở pháp lý để xác định đ ơn vị hành chính, phân loại đơn vị hành chính và phân loại đô thị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ v iệc phân loại hành chính và phân loại đô thị liên quan đến mục tiêu rất lớn để quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
M ột số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn băn khoăn, sau khi Nghị quyết này ra đời, các địa phương xin để thành lập mới, chia tách, điều chỉnh địa giới hành chính, sẽ làm cho số đơn vị hành chính tăng lên. Về việc này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, Hiến pháp, Luật tổ chức chính quyền địa phương đã phân định thẩm quyền để điều chỉnh đơn vị hành chính.
Theo đó, Quốc hội điều chỉnh đơn vị hành chính cấp tỉnh, Ủy ban Thường vụ Quóc hội điều chỉnh đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh. Vì vậy, khi điều chỉnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội căn cứ vào Nghị quyết này để thực hiện, bảo đảm chặt chẽ.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, việc chia tách căn cứ vào nhiều yếu tố: Kinh tế - xã hội, chính trị…, vì vậy khi nghị quyết này ban hành, sẽ khắc phục được cơ bản việc chia tách, sáp nhập và thành lập mới đơn vị hành chính như tình trạng trước đây.
Nguồn Báo Tin tức - TTXVN