1. Phát biểu khai mạc Hội nghị quốc tế Dili về các đường ranh giới hàng hải và luật biển đã diễn ra ở thủ đô Dili, Cộng hòa Dân chủ Timor-Leste hôm 19-5, với sự tham gia của nhiều học giả, các nhà làm chính sách quốc tế, Thủ tướng Timor-Leste Rui Maria de Araujo đã nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) trong việc xây dựng bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải, giải quyết hòa bình các tranh chấp hiện tại và đang nổi lên trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Ông cũng cho biết việc Chính phủ Timor-Leste tổ chức hội nghị trên đúng vào thời điểm kỷ niệm 20 năm thành lập Tòa án Quốc tế về Luật Biển của Liên hợp quốc (ITLOS) nhằm khẳng định sự đóng góp của nước này vào việc tuân thủ luật pháp quốc tế, và tạo cơ sở cho việc đàm phán phân định, tạo lập quyền chủ quyền, đường ranh giới hàng hải ổn định, hòa bình với các nước trong khu vực.
Tại hội nghị, thẩm phán Vladimir Golitsyn, Chủ tịch ITLOS, đã nhấn mạnh tới vai trò của ITLOS trong giải quyết các tranh chấp quốc tế trên biển, đồng thời khuyến khích các nước giải quyết tranh chấp biển thông qua các biện pháp ngoại giao và tài phán. Các đại biểu cũng cho rằng công ước luật biển đóng vai trò rất quan trọng trong thời gian qua trong việc giải quyết tranh chấp biển giữa các quốc gia đồng thời nhất trí cho rằng các nước cần thể hiện trách nhiệm tuân thủ và áp dụng luật pháp quốc tế để đạt được giải pháp lâu dài và toàn diện về các tranh chấp trên biển, và chia sẻ kinh nghiệm trong xử lý các tranh chấp, đàm phán phân định đường biên giới biển giữa các nước.
Hiện nay, có 167 quốc gia thành viên UNCLOS 1982 và nhiều điều khoản trong công ước trở thành tập quán quốc tế.
Theo công ước này, có nhiều biện pháp để giải quyết tranh chấp, trong đó có đàm phán, hòa giải và giải quyết bằng tòa án và trọng tài. Nhiều tranh chấp đã được giải quyết, căn cứ theo công ước luật biển. Ở khu vực châu Á, có ít nhất 8 trường hợp tranh chấp được đệ trình đơn phương, trên các cơ chế giải quyết của công ước và cuối cùng được giải quyết hòa bình và phù hợp với luật quốc tế, được các quốc gia liên quan thừa nhận và thực hiện.
2. Các nhà lãnh đạo ASEAN đã tới thành phố Sochi của Nga tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 20 năm quan hệ đối tác đối thoại Nga - ASEAN, diễn ra trong hai ngày cuối tuần này. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng thể hiện mối quan hệ ngày càng khăng khít giữa Nga và ASEAN cũng như vị thế đặc biệt của ASEAN trong chính sách của Nga đối với khu vực Đông Nam Á, với chủ đề “Hướng tới Đối tác chiến lược vì lợi ích chung”.
Hội nghị lần này có ý nghĩa trọng đại không chỉ đánh dấu chặng đường 20 năm Nga và ASEAN khởi động và duy trì đối tác đối thoại, mà còn là cơ hội để vạch ra phương hướng hợp tác nhằm nâng tầm quan hệ cho tương xứng với tiềm năng và lợi ích của hai bên, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động.
Các nhà lãnh đạo ASEAN và Nga thảo luận về hợp tác kinh tế và mối quan hệ giữa Nga và ASEAN. Hội nghị dự kiến sẽ thông qua một tuyên bố chung đặt cơ sở cho kế hoạch hành động liên quan đến hoạt động hợp tác giữa Nga và ASEAN trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và an ninh chung.
Ông Mikhail Galuzin, đại diện thường trực Nga tại ASEAN cho biết: “Chúng tôi hy vọng rằng, kết quả của hội nghị sẽ góp phần nâng tầm quan hệ Nga – ASEAN lên tầm quan hệ đối tác chiến lược. Chúng tôi cũng sẽ phát triển hợp tác giữa hai bên trong các lĩnh vực như công nghiệp, cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, nhân đạo, du lịch, đối phó với thảm họa thiên tai, năng lượng và nhiều lĩnh vực hợp tác khác”.
Trong 5 năm trở lại đây, kim ngạch thương mại giữa Nga và các nước ASEAN đã tăng gấp đôi và đạt con số kỷ lục 21,5 tỷ USD vào năm 2014, đưa Nga trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của ASEAN.
Theo đánh giá của giới phân tích, việc thắt chặt hợp tác trong nhiều lĩnh vực sẽ mang lại lợi ích chung cho hai bên.
P.V