1. Hệ thống phòng thủ tên lửa hay còn gọi là “lá chắn tên lửa” của Mỹ tại châu Âu chính thức được “kích hoạt” vào ngày 12-5, bất chấp những cảnh báo từ Nga cho rằng động thái này đe dọa nền hòa bình ở khu vực Trung Âu.
Trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và phương Tây đang rất căng thẳng, các quan chức Mỹ và NATO tuyên bố sẵn sàng đưa vào hoạt động hệ thống phòng thủ tên lửa tại một căn cứ không quân ở Deveselu, miền Nam Romania, sau nhiều năm lập kế hoạch triển khai và tiêu tốn khoản tiền hàng tỷ USD đầu tư cho cơ sở này.
Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter cho rằng việc kích hoạt hệ thống phòng thủ trên tại Romania - một phần quan trọng trong hệ thống phòng thủ tên lửa ở khu vực châu Âu, cho thấy “Mỹ đã có đủ khả năng để bảo vệ các đồng minh NATO tại châu Âu.” Ông này cũng tuyên bố hệ thống lá chắn tên lửa không nhằm vào Nga và sẽ sớm được bàn giao cho Bộ tư lệnh NATO.
Hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis của Mỹ ở Ba Lan.
Dự kiến, Mỹ cũng sẽ triển khai xây dựng một hệ thống phòng thủ tương tự tại Ba Lan từ ngày 12-5 và cơ sở này sẽ sẵn sàng hoạt động vào năm 2018, tạo ra một hệ thống phòng thủ thường trực 24/24 giờ cho NATO, bổ sung cho các hệ thống radar và tàu chiến đang hoạt động ở Địa Trung Hải.
Nga cho rằng kế hoạch của Mỹ và NATO bố trí các thành phần của hệ thống “lá chắn tên lửa” ở các nước Đông Âu, sát biên giới Nga, là nhằm đe dọa trực tiếp nước Nga, sẽ làm suy yếu an ninh của Nga và buộc Moskva phải áp dụng các biện pháp đáp trả để ngăn chặn mối đe dọa này.
Tư lệnh lực lượng tên lửa chiến lược của Nga mới đây tuyên bố quân đội Nga đang phát triển các tên lửa đạn đạo (ICBM) cực mạnh có khả năng “xuyên thủng” bất cứ hệ thống phòng thủ tên lửa nào mạnh nhất của Mỹ hiện nay.
2. Theo báo cáo nghiên cứu ô nhiễm môi trường ở các thành phố do WHO công bố ngày 11-5, ước tính mỗi năm có 7 triệu người chết liên quan tới ô nhiễm môi trường.
Nghiên cứu từ 3.000 thành phố của hơn 100 quốc gia cho thấy, có tới 80% các cư dân thành thị sống trong môi trường không khí ô nhiễm. Điều này đang làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư cũng như nhiều căn bệnh khác. Đây là một vấn đề y tế cộng đồng nghiêm trọng và cần phải nâng cao nhận thức, tăng cường các biện pháp môi trường, giảm tác động tiêu cực tới sức khỏe người dân.
Báo cáo được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra 2 năm/lần. Đáng chú ý, so với báo cáo năm 2014, tình trạng ô nhiễm môi trường hiện đang trầm trọng hơn rất nhiều.
Báo cáo đã khắc họa được một bức tranh toàn cảnh về sự suy giảm chất lượng bầu không khí tại các thành phố trên thế giới, đồng thời cho thấy cư dân thành thị tại các quốc gia nghèo là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi vấn đề nói trên. Đáng chú ý, tới 98% các thành phố thuộc các quốc gia thu nhập thấp và trung bình có mức độ không khí không đáp ứng được các tiêu chuẩn do WHO đề ra. Trong khi đó, tại các quốc gia thịnh vượng hơn, con số này chỉ là 56%.
P.V