Theo phóng viên TTXVN tại Washington, chỉ một tuần trước đây, tỷ lệ ủng hộ bà Clinton còn vượt ông Trump tới 13%. Giới quan sát cho rằng dù sẽ còn nhiều yếu tố tác động tới tâm lý của cử tri Mỹ từ nay cho đến tổng tuyển cử vào tháng 11 tới, nhưng đó cũng là dấu hiệu cho thấy một cuộc chiến khá cân sức giữa "ông trùm" bất động sản Trump và bà Clinton, người gần như chắc chắn sẽ trở thành ứng cử viên Tổng thống chính thức của đảng Dân chủ. Một kết quả điều tra trước đó cũng do Reuters/Ipsos tiến hành cho thấy phần lớn cử tri Mỹ tỏ ý không tin tưởng vào khả năng của bất cứ ứng cử viên nào trong việc đảm nhiệm những trọng trách của tổng thống như điều hành kinh tế, thực hiện vai trò Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang…
Về phía đảng Dân chủ, thất bại trong cuộc bầu cử tại bang Tây Virginia (Vơ-gi-ni-a) hôm 10/5 trước Thượng nghị sĩ bang Vermont (Vơ-mon) Bernie Sanders (Bơ-ni Xan-đơ) cho thấy bà Clinton cần nỗ lực hơn nữa để giành được lòng tin của các cử tri lao động về triển vọng kinh tế nếu không muốn gặp rắc rối tại các bang công nghiệp trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 8/11 tới. Chiến thắng của ông Sanders cũng buộc bà Clinton phải cùng một lúc căng sức ở cả 2 mặt trận. Một mặt, bà phải tìm cách đánh bại ông Sanders nhằm tránh cuộc chạy đua trong Đảng Dân chủ kéo dài, mặt khác, bà cũng phải liên tục duy trì sức ép lên ông Trump để tỷ phú Mỹ không rảnh rang công kích lại bà. Đối với ứng cử viên Trump, ngoài việc thiếu các chính sách cụ thể, tỷ phú 70 tuổi vẫn chưa thể tìm kiếm được sự hậu thuẫn của giới lãnh đạo đảng Cộng hòa. Dự kiến ông Trump sẽ tới thủ đô Washington D.C trong ngày 12/5 để tiến hành một loạt cuộc gặp với các nhà lãnh đạo hàng đầu của đảng Cộng hòa, trong đó có Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan (Pôn Rai-ân), Chủ tịch Ủy ban Quốc gia của đảng Cộng hòa Reince Priebus (Rên Pri-bớt) và thủ lĩnh phe đa số tại Hạ viện Kevin McCarthy (Ke-vin Mắc-Ca-thi) nhằm nỗ lực tăng cường đoàn kết trong đảng sau tiến trình bỏ phiếu sơ bộ đầy chia rẽ vừa qua.
Theo TTXVN