Về khái niệm: Diễn đàn thanh niên là nơi thanh niên công khai bày tỏ ý kiến, quan điểm, tình cảm của mình về một vấn đề nào đó. Quan điểm đó có thể chưa đúng, lệch lạc nhưng không phải vì thế mà bị “quy chụp” về tư tưởng và phẩm chất đạo đức. Vấn đề quan trọng của diễn đàn là thông qua tranh luận để định hướng nhận thức và hành động cho thanh-thiếu niên.
Cách tổ chức:
- Bước chuẩn bị:
+ Thông báo chủ đề (những chủ đề đưa ra diễn đàn phải là những vấn đề mà thanh niên quan tâm); hướng dẫn nội dung chính của chủ đề, để từ đó thanh niên tự tìm hiểu và sẵn sàng tham gia.
+ Chuẩn bị ý kiến nòng cốt: Những ý kiến nòng cốt thường là những ý kiến nhìn từ nhiều góc độ khác nhau, mặt phải, mặt trái của vấn đề nhằm tạo ra những tình huống có vấn đề, để cuộc tranh luận phong phú, đa dạng, sôi nổi.
+ Chuẩn bị một số câu hỏi liên quan đến những nội dung chính của chủ đề. Câu hỏi phải hết sức cụ thể, dễ hiểu, có thể dưới dạng xử lý tình huống, trình bày quan điểm đối với những ý kiến “ngược”.
- Bước tổ chức:
+ Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu (mục đích, ý nghĩa, lý do, thành phần đại biểu mời và đại biểu tham dự diễn đàn)
+ ĐV-TN phát biểu về các nội dung thuộc chủ đề diễn đàn (những ý kiến nòng cốt có thể phát biểu trước hoặc sau phụ thuộc không khí sôi nổi hay trầm lắng của diễn đàn, có thể nêu ra một vài tình huống có vấn đề để tranh luận).
+ Kết thúc diễn đàn phải có bài tổng kết nhằm định hướng vấn đề và gợi suy nghĩ.
Một số điểm chú ý:
- Tùy theo số lượng người tham gia và hình thức thể hiện mà bố trí địa điểm diễn đàn cho phù hợp. Trang trí hội trường phải nêu rõ chủ đề của diễn đàn.
- Có chủ tọa điều khiển (có thể trực tiếp, có thể thông qua người dẫn chương trình) và thư ký ghi chép để làm cơ sở cho việc tổng kết diễn đàn.
- Trong quá trình diễn đàn nên xen kẽ các hình thức văn nghệ để làm cho buổi diễn đàn vui vẻ, hấp dẫn.
DM (tổng hợp)