(NTO) Trong tháng tư vừa qua, tỉnh ta đã phát động nhiều phong trào thi đua như: Phát động ra quân tổng vệ sinh môi trường hưởng ứng năm Môi trường Du lịch sạch, gắn với Đổi mới nếp sống văn hóa, văn minh đô thị- 2016; Phong trào thi đua “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự ATGT” năm 2016; Phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2016- 2020… với mục đích chung nhất là nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện bằng các kế hoạch cụ thể, phù hợp với yêu cầu thực tế của từng địa phương, đơn vị… Đặc biệt, qua phát động sẽ tạo “điểm nhấn”, “cao điểm” thực hiện, từ đó tạo đà để duy trì và nhân rộng, dần dần hình thành ý thức tự giác thực hiện trong người dân…
Đoàn viên, thanh niên tham gia tổng vệ sinh môi trường dọc bãi biển Bình Sơn - Ninh Chử. Ảnh: Văn Miên
Tuy nhiên, thực tế phải nhìn nhận rằng kết quả sau những đợt phát động vẫn chưa đạt như mong muốn. Có phong trào khi “phát” thì khá rầm rộ nhưng sau đó “chìm” dần bởi khâu “động” chưa được chú ý đúng mức bằng “kịch bản” thực hiện cụ thể ở từng cấp, ngành, đoàn thể… liên quan. Vậy nguyên nhân từ đâu?. Theo tìm hiểu của chúng tôi có nhiều nguyên nhân, trong đó đầu tiên theo phản ánh của một số địa phương, nhất là cấp cơ sở đã… quá tải bởi nhiều chương trình, kế hoạch chưa kịp triển khai hoặc nếu có thì cũng chỉ “nằm” trên giấy, khó đưa đến cơ sở.
Đó là chưa nói đến năng lực tiếp thu và tổ chức thực hiện. Trách nhiệm của người đứng đầu cũng không kém phần quan trọng. Nếu người đứng đầu nhiệt tình, trách nhiệm trước yêu cầu của cuộc sống xã hội cần phải nhanh chóng cụ thể hóa hoặc lồng ghép bằng một số chương trình, kế hoạch để triển khai đồng loạt, vừa tránh mất thời gian, vừa dễ nhớ, dễ làm, dễ để lại “dấu ấn” cho người dân được “thụ hưởng”. Ngược lại, nếu người đứng đầu thiếu nhiệt huyết, lúng túng trong xây dựng “kịch bản” thực hiện thì rõ ràng các cuộc phát động sẽ bị “nghẽn” lại, đồng nghĩa với đó là khó đi vào cuộc sống!.
Có ý kiến cho rằng muốn “phát” phải gắn liền với “động” thông qua việc thường xuyên kiểm tra kết quả thực hiện thực tế từ cơ sở, tránh tình trạng phong trào mạnh hay yếu là do… “trình độ” của người báo cáo mà thành!. Mặt khác, cần có chế tài ràng buộc trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương để sau mỗi lần phát động sẽ là những “hành động” quyết liệt thực sự chứ không phải là sự thờ ơ, “bất động”…
Sinh thời Bác Hồ kính yêu đã dạy rằng: “Chủ trương một, biện pháp mười, quyết tâm hai mươi”. Suy ra, làm việc gì mà thiếu quyết tâm, biện pháp thì dù chủ trương có hay, đúng bao nhiêu chăng nữa cũng khó đi vào cuộc sống một cách sinh động.
H.H