Chị Đỗ Thị Thuận (xã Xuân Hải, Ninh Hải) cho biết, gia đình chỉ tranh thủ bật đèn khi ăn cơm, sau đó tắt hẳn đèn trong nhà, sử dụng ánh đèn mờ trước sân, khi ngủ thường phải đóng kín hết các cửa. Tuy nhiên, bướm trắng vẫn bay vào được. Người lớn còn chịu được, nhưng trẻ em thì khổ sở lắm...
Xuất hiện nhiều bướm trắng gây ngứa trong nhà dân.
Chị Bùi Thị Lệ, KP3, phường Phước Mỹ, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm cũng rất khó chịu về tình trạng bướm trắng bay vào nhà gây ngứa. Chị cho biết: Mỗi khi bật điện, xuất hiện hàng trăm con bướm trắng bay quanh bóng đèn, đậu nhiều trên các vật dụng, tường nhà. Bướm trắng làm mất ngủ cả nhà, bôi đủ thuốc trị ngứa cũng không ăn thua. Chỉ sơ ý bật đèn, quên đóng cửa một lúc, bướm lại ào vào nhà, rơi đầy xuống sàn.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, đây là loài sâu bướm đục thân 2 chấm (có tên khoa học là Seirpopla incertulas), có kích thước dài khoảng 1cm, toàn thân được phủ một lớp phấn màu trắng bạc, có 2 chấm đen trên cánh... Loài bướm này thường cư trú ở đồng lúa, cùng với mùa thu hoạch lúa vụ đông-xuân, loài bướm trắng này sẽ theo ánh đèn bay vào khu dân cư. Chính hiện tượng bay vòng liên tục của bướm trắng khiến phấn bướm dễ tung ra, lơ lửng trong không khí, bám vào các vật dụng trong nhà, nếu dính vào người sẽ gây ngứa, dị ứng da... rất khó chịu.
Ông Phạm Dũng, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết: Thông qua bẫy đèn, chúng tôi đã phát hiện mật độ bướm trắng những ngày gần đây từ 60-70 con/bẫy. Bướm xuất hiện ở hầu hết các địa phương trong tỉnh, nhưng tập trung nhiều nhất tại khu vực thị trấn Phước Dân, xã Phước Thái (Ninh Phước) và xã Xuân Hải (Ninh Hải)… Bướm có vòng đời 45-53 ngày, nhưng trong điều kiện nắng nóng vòng đời có thể ngắn hơn. Hiện tượng bướm bay nhiều vào khu dân cư sẽ kéo dài khoảng 1-2 tuần sẽ hết. Đây là hiện tượng rất bình thường, không đáng lo ngại.
Hiện tại, chưa có biện pháp nào ngăn chặn hữu hiệu nạn bướm trắng. Vì thế, người dân chỉ có cách hạn chế bật đèn trong nhà, nên đóng kín cửa, dùng đèn ngoài sân, vườn thu hút bướm, kết hợp phun nước để hạn chế bướm bay vào nhà. Nên mặc quần áo kín, vệ sinh sạch sẽ, không để phấn bướm tiếp xúc lên vùng da. Dùng nước rửa sạch khi bị dính bụi phấn bướm trắng, không nên gãi, tránh hiện tượng bụi lan ra những vùng da khác. Nếu bị nặng, có thể đến các cơ sở y tế để được hướng dẫn sử dụng thuốc chống dị ứng.
Anh Tuấn