Vào thời kỳ trước và sau tiết tiểu mãn, thường có mưa, nhiều năm có mưa vừa đến mưa to, gây lũ nhỏ hoặc lũ vừa, được gọi là lũ tiểu mãn. Lũ tiểu mãn thường không lớn nhưng là nguồn cung cấp nước rất quan trọng cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, bổ sung cho các hồ chứa và đặc biệt là các hồ chứa thủy điện, vì thông thường vào thời kỳ này là cao điểm của mùa khô hạn thiếu nước.
Hệ thống thủy lợi kênh Bắc thường xuyên được nạo vét, gia cố bảo đảm nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất.
Ảnh: Sơn Ngọc
Đối với tỉnh Ninh Thuận, kể từ đầu năm 2016, tại hầu hết các khu vực trên địa bàn toàn tỉnh chủ yếu không nơi nào có mưa đáng kể. Trong khi đó, theo số liệu quan trắc được từ đầu năm 2016: Nhiệt độ không khí, lượng bốc hơi, số giờ nắng đều ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ; đặc biệt là trị số độ ẩm không khí trung bình ở mức thấp. Tình hình mực nước trên các sông, suối đang có xu thế giảm chậm và duy trì ở mức thấp, nhiều sông suối nhỏ đã bắt đầu tắt dòng. Mặc dù vẫn được đón nhận từ hồ Đơn Dương một lượng nước đáng kể qua Nhà máy Thủy điện Đa Nhim và sự điều tiết của hệ thống hồ thủy lợi trong tỉnh; nhưng trên sông Cái Phan Rang, mực nước chỉ duy trì ở mức xấp xỉ TBNN; cá biệt có thời điểm xuất hiện giá trị lượng dòng chảy thiếu hụt hơn 70%. Tại thời điểm ngày 24-3-2016, tổng dung tích tại 20 hồ chứa trên toàn tỉnh chỉ còn lại 47.08/192.21 triệu m3, đạt 24,49%... Xu thế mực nước các hồ giảm khá nhanh. Đã có 2 hồ hết nước (Ông Kinh và Tà Ranh). Dung tích hồ Đơn Dương là 108/165 triệu m3; Nhà máy Thủy điện Đa Nhim duy trì lưu lượng chạy máy là 20m3/s.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương, hiện tượng El Nino khởi phát từ cuối năm 2014, đã tác động trong năm 2015 và có khả năng tiếp tục duy trì cường độ mạnh trong những tháng mùa đông-xuân, sau đó khả năng có xu hướng giảm dần về cường độ vào những tháng đầu mùa hè năm 2016. Dưới tác động của El Nino, nhiều khả năng số lượng bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam trong năm 2016 tương đương hoặc ít hơn so với TBNN. Nắng nóng xuất hiện ở mức xấp xỉ đến cao hơn TBNN cùng kỳ; thời gian bắt đầu từ tuần cuối tháng 4 và kết thúc vào giữa tháng 8-2016, trong đó tháng 6 và 7 xảy ra nhiều đợt nắng nóng kéo dài, nhiệt độ không khí cao nhất từ 37-380C. Lượng mưa trên phạm vi toàn quốc nhìn chung sẽ thiếu hụt so với TBNN từ 20-40%, trong đó mưa sáu tháng đầu năm ở Bắc Bộ có khả năng cao hơn 10-20% so với TBNN, khu vực từ Trung Bộ trở vào phía Nam phổ biến thiếu hụt so với TBNN từ 30-50%; một số nơi tại Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng xuất hiện khô hạn gay gắt cục bộ ngay trong nửa đầu năm 2016. Các tháng mùa khô năm 2016 ở khu vực Ninh Thuận, lượng mưa phổ biến ở mức thấp hơn TBNN cùng kỳ. Từ giữa tháng 4 sẽ có mưa rào và dông, xảy ra chủ yếu ở khu vực miền núi phía Tây; tới giữa tháng 5 đến hết tháng 6 sẽ có mưa rào rải rác ở vùng núi và từ tháng 7 đến tháng 8 có mưa rào vài nơi. Tổng lượng mưa từ tháng 3 đến tháng 8, ở khu vực vùng núi phổ biến từ 420-500mm và khu vực đồng bằng phổ biến từ 230-290mm.
Qua các kết quả thống kê tài liệu thủy văn tại Ninh Thuận, trong chuỗi 39 số liệu có 33 năm xuất hiện lũ tiểu mãn; trong đó chỉ có 6 năm (1977, 1983, 1986, 1991, 2014, 2015) không xuất hiện mưa lũ tiểu mãn; lần đầu tiên có 2 năm liên tiếp không xuất hiện lũ tiểu mãn là 2014 và 2015. Theo nhận định của chúng tôi, năm nay 2016, có khả năng xuất hiện mưa lũ tiểu mãn, nhưng ở mức thấp hơn so với TBNN và thời gian xuất hiện muộn hơn so với thời lịch (vào khoảng cuối tháng 5 đến hết tháng 6). Mực nước trên các sông trong khu vực có xu thế tiếp tục giảm chậm và duy trì ở mức thấp hơn đến xấp xỉ TBNN; các sông suối nhỏ bị tắt dòng. Riêng từ cuối tháng 5 đến hết tháng 6, mực nước trên các sông có dao động nhỏ và khả năng xuất hiện lũ nhỏ, đề phòng lũ quét ở vùng núi. Mực nước thấp nhất ở khu vực Ninh Thuận xảy ra vào tháng 4, đầu tháng 5. Do thiếu hụt dòng chảy trên các sông, suối trong các tháng đầu mùa khô 2016 nên tình trạng khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn có khả năng xảy ra trên diện rộng và khốc liệt tương tự năm 2015.
Khả năng mưa lũ tiểu mãn xuất hiện, có thể nguồn nước này tuy không lớn, nhưng nó rất quan trọng trong việc bổ sung một lượng nước đáng kể cho dòng chảy các sông suối ở thời kỳ cạn kiệt. Nhưng nó đặc biệt quý giá đối với các hồ chứa phục vụ tưới tiêu, phát điện, cung cấp nước sinh hoạt, cũng như tạo điều kiện phát triển cân bằng sinh thái, giảm cấp cháy rừng nguy hiểm. Riêng với tỉnh Ninh Thuận, có nền nông nghiệp còn phụ thuộc khá nhiều vào tự nhiên; từ đồng cỏ chăn thả gia súc, đến diện tích canh tác hoa màu phần lớn “ăn theo nước trời”, thì có mưa lũ tiểu mãn xuất hiện quý tựa “vàng trời ban”.
Đặng Thanh Bình