Đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp cho ý kiến dự thảo Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với ứng phó tình trạng biến đổi khí hậu

(NTO) Ngày 5-4, đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp nghe Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông thôn báo cáo dự thảo đề cương chi tiết Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với ứng phó tình trạng biến đổi khí hậu đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án). Tham dự có đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương.

 
Đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.
 
 
Đại biểu phát biểu tại cuộc họp.

Theo dự thảo, Đề án tập trung theo hướng ưu tiên nguồn lực đầu tư vào các ngành sản xuất có lợi thế, phù hợp với đặc thù và điều kiện khí hậu khô hạn như: phát triển cây nho, táo, tỏi; phát triển nhóm gia súc bò, dê, cừu và muối công nghiệp… Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp-dịch vụ. Thúc đẩy kết nối vùng sản xuất, liên kết cụm công nghiệp-dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp. Mục tiêu của Đề án nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững ngành Nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu dựa trên tổ chức sản xuất. Phát triển nền nông nghiệp thông minh và thích ứng cao với biến đổi khí hậu, đặc biệt là điều kiện thiếu nước, hạn hán như hiện nay. Nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống và an ninh dinh dưỡng cho dân cư nông thôn.

Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị đơn vị tư vấn cần tiếp thu có chọn lọc những ý kiến đóng góp của các ngành, các địa phương trong việc thực hiện đề cương chi tiết Đề án cho phù hợp với từng địa phương. Cần nâng cao tỷ trọng ngành Thủy sản phù hợp với điều kiện tự nhiên thuận lợi của tỉnh. Việc liên kết giữa sản xuất và thị trường tiêu thụ là khâu yếu nhất trong quá trình sản xuất khiến cho chi phí trung gian quá lớn; nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp rất hạn chế, kể cả nguồn lực đầu tư của nông dân. Vì vậy, cần tăng cường liên kết các hình thức tổ chức sản xuất và thu hút nguồn lực từ doanh nghiệp tư nhân đầu tư sản xuất nông nghiệp. Đề án phải thực sự làm thay đổi nhận thức và tư duy sản xuất của nông dân để từng bước nâng cao chất lượng nông sản; tái cơ cấu ngành Nông nghiệp phải gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Phân công cụ thể từng ngành, từng địa phương trong thực hiện khi Đề án được thông qua.