Đảng bộ xã Phước Nam: Lãnh đạo công tác ứng phó hạn hán

(NTO) Đến xã Phước Nam (Thuận Nam) vào những ngày cuối tháng 3, chúng tôi cảm nhận được những khó khăn trong sản xuất, sinh hoạt của người dân địa phương do tình trạng nắng hạn kéo dài. Đồng chí Châu Văn Kỳ, Bí thư Đảng ủy xã, cho biết: Cùng với lãnh đạo công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm vụ hàng đầu hiện nay của Đảng bộ xã là tập trung lãnh đạo Nhân dân ứng phó với hạn hán.

Đảng bộ xã Phước Nam hiện có tổng số 108 đảng viên (ĐV), hình thành 13 chi bộ, trong đó có 7 chi bộ trên địa bàn dân cư. Trong năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy và sự quản lý, điều hành của chính quyền xã, kinh tế-xã hội ở Phước Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, nổi bật là đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên trước tình hình hạn hán kéo dài, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp, Đảng ủy xã Phước Nam đã thống nhất ban hành Nghị quyết (NQ) chuyên đề về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống hạn và chuyển đổi cây trồng vụ đông-xuân trên địa bàn năm 2016. Cụ thể, phấn đấu trong năm nay vận động Nhân dân gieo trồng đạt 100% diện tích huyện giao (715ha), đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, ưu tiên cây trồng cạn sử dụng ít nước như đậu xanh, dưa, ớt, cà chua, cỏ chăn nuôi… nếu tình hình hạn hán vẫn còn tiếp diễn.

 
Người dân xã Phước Nam di chuyển đàn cừu tìm nguồn nước uống. Ảnh: H.T

Để triển khai thực hiện NQ trên, Đảng ủy yêu cầu cán bộ (CB), ĐV phải có quyết tâm chính trị mạnh mẽ trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sinh hoạt, sản xuất của người dân. Tại thôn Tam Lang, một thôn trọng điểm về khô hạn đang được tỉnh và cơ quan Quân sự tỉnh hỗ trợ vận chuyển nước sinh hoạt, chúng tôi nhận ra sự chủ động của cấp ủy trong chỉ đạo sản xuất nông nghiệp. Chi bộ thôn Tam Lang có 5 ĐV, lãnh đạo dân cư trong thôn gồm 48 hộ (195 khẩu). Đồng chí Lê Dấm, Bí thư Chi bộ thôn, cho biết: “Toàn thôn có diện tích 14ha đất nông nghiệp, nhờ hồ Bàu Ngứ còn một ít nước tích đọng lại nên chi bộ định hướng người dân trong thôn chuyển sang trồng 7ha đậu xanh, 2ha cỏ và trồng thả 3-4ha dưa hồng”. Nhìn tổng quan qua thực hiện mục tiêu NQ đề ra, trong vụ đông-xuân này, toàn xã Phước Nam đã vận động Nhân dân chuyển đổi hiệu quả diện tích đất lúa sang trồng trên 150ha đậu xanh, 21ha cỏ và 18ha cây trồng ngắn ngày khác.

Vai trò của cấp ủy các chi bộ thôn trong lãnh đạo Nhân dân ứng phó với hạn hán thể hiện rõ ở Phước Nam, đơn cử Chi bộ thôn Văn Lâm 1. Chúng tôi được biết trong vụ đông-xuân, cả thôn đã chuyển sang trồng được 44ha đậu xanh, hiện đang ra trái non và không lâu nữa sẽ cho thu hoạch. Đồng chí Sử Văn Hờn, Bí thư Chi bộ thôn Văn Lâm 1, cho biết: “Chi bộ có 7 ĐV, ngoài ra còn có 13 ĐV sinh hoạt nơi cư trú nên chúng tôi có thuận lợi trong việc triển khai đưa NQ của Đảng ủy xã về công tác chống hạn vào cuộc sống”. Điểm đáng chú ý là để người dân yên tâm chuyển đổi cây trồng, Đảng ủy xã đã chỉ đạo UBND xã phối hợp với các Trạm chức năng huyện mở lớp tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc đậu xanh cho 50 hộ nông dân. Đặc biệt để bảo đảm đầu ra, UBND xã còn ký hợp đồng tiêu thụ nông sản (bao tiêu đậu xanh thương phẩm) với Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố, điều này đã làm cho nông dân yên tâm lựa chọn cây trồng phù hợp.

Cùng với chuyển dịch cơ cấu cây trồng, Phước Nam còn có kế hoạch, phương án di dời cụ thể đàn gia súc ở từng thôn đến nơi có nguồn thức ăn, nước uống phục vụ cho chăn nuôi. Phước Nam có tổng đàn gia súc trên 64.000 con, nhưng chiếm đa số là bò, dê, cừu chăn nuôi ở trang trại xâm canh tại các xã như Nhị Hà, Phước Hà, Phước Minh…; còn trên địa bàn xã có 29.796 con (gồm 4.347 con bò, 3.481 con dê, 21.968 con cừu) của 1.055 hộ gia đình, cá nhân nuôi. Nhờ huy động tối đa các nguồn lực tại chỗ, đến nay, Phước Nam đã tiến hành di dời 1.918 gia súc. Các hộ chăn nuôi đều được khuyến cáo tự chủ động di dời đàn gia súc đến nơi thuận lợi về thức ăn và nước uống, tập trung chủ yếu tại khu vực dọc sông Lu, vùng giáp ranh giữa xã Phước Nam và Phước Hữu (Ninh Phước). Trong quá trình di dời, Phước Nam còn phối hợp với cơ quan chức năng huyện và xã Phước Hữu kiểm tra tình hình nhằm ngăn ngừa tình trạng gia súc chết do thiếu nước hoặc phát sinh bệnh dịch.

Theo đồng chí Châu Văn Kỳ, với sự đồng thuận cao trong CB, ĐV và Nhân dân, NQ chuyên đề về công tác phòng, chống hạn đã phát huy tác dụng tích cực. Căn cứ NQ, UBND xã đã xây dựng kế hoạch và giải pháp cụ thể, qua đó Mặt trận, các đoàn thể, chi bộ và Ban quản lý các thôn tổ chức thực hiện, bước đầu đã kịp thời hạn chế thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp, đảm bảo nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt, chăn nuôi trong mùa khô hạn.