Quả là cuốn sách hấp dẫn. Hấp dẫn không chỉ ở kiến thức nên biết là “già sao cho sướng?”, mà còn ở cách viết dí dỏm của tác giả.
Ví dụ: Có người hỏi Bác sỹ Đỗ Hồng Ngọc, vì sao ông là bác sỹ Nhi khoa mà lại viết về Lão khoa như: “Gió heo may đã về”, “Già ơi”, rồi thì “Già ơi chào bạn”, và bây giờ thì “Già sao cho sướng?”. Bác sỹ Đỗ Hồng Ngọc trả lời: Lão khoa, Nhi khoa… chẳng qua là một cách gọi tên! Bậc đàn anh của tôi là Bác sỹ Từ Giấy ngày trước thường nhắc chúng tôi: “Hãy chăm sóc các “cụ” từ trong bụng mẹ”.
Đúng vậy, đợi các cụ ngáp rồi mới “tận tình chăm sóc” thì e rằng quá trễ! Tổ chức Sức khỏe Thế giới (WHO) khi đưa ra những hướng dẫn cụ thể cho Năm Quốc tế Người cao tuổi cũng đã khuyến cáo, muốn cho các "cụ" khỏe mạnh thì phải cho mẹ... các “cụ” được dinh dưỡng đầy đủ trong lúc mang thai, trong lúc cho các “cụ”... bú; và phải chích ngừa đầy đủ...
Tóm lại, chăm sóc các cụ, nói cách nào đó, thực chất là công tác của Nhi khoa; hoặc cũng có thể nói, Nhi khoa cũng là Lão khoa... chả thế mà người ta thường nói:... người càng già càng giống trẻ thơ đó sao?...
Tập sách “Già sao cho sướng” dày gần 200 trang, gồm các tiểu đề mục như: “Có tuổi già không?”, “Làm sao biết đã già?”, rồi thì “Già kiểu nào thì tốt?” hoặc “Kế hoạch già”, rồi thì... “Người già ăn sao cho ngon?”... thật thú vị, mỗi tiểu đề mục như vậy chỉ ngắn gọn trong một vài trang nhưng trang nào cũng dí dỏm đáng đọc. Tôi chỉ xin tóm tắt ở tiểu đề mục “Để có hạnh phúc tuổi già”.
Theo Bác sỹ Đỗ Hồng Ngọc, để có hạnh phúc tuổi già thì mục tiêu chính là phải an lạc. “An” là yên ổn trong thân và “lạc” là phải vui trong tâm. Thân có an thì tâm mới lạc và ngược lại. Sức khỏe tâm thần của tuổi già mới là điều cốt yếu. Nỗi cay đắng, ngậm ngùi, lo lắng, sợ hãi mới làm họ kiệt quệ mau chứ không phải các xét nghiệm này nọ. Tóm lại tuổi già thường có được hạnh phúc khi:
- Chấp nhận mình. Hiểu luật vô thường, từ bi với mình, tuyệt đối không so sánh.
- Gần gũi những người trẻ dễ thương.
- Được sắp xếp cuộc sống riêng theo ý thích của mình, không bị áp đặt.
- Được xã hội và gia đình chấp nhận, tôn trọng.
- Tự chủ được tài chính.
- Duy trì các mối quan hệ bạn bè, hội, đoàn mà mình yêu thích.
- Đừng ăn không ngồi rồi dễ chán nản, mà tham gia vào các công tác xã hội theo sinh lực của mình.
- Cố gắng gần gũi với thiên nhiên nếu có thể.
Tôi tâm đắc với câu hỏi của Nhà báo Hồng Vân ở Báo Sài Gòn giải phóng và câu trả lời của Bác sỹ Đỗ Hồng Ngọc:
- Anh là một bác sỹ, thi sỹ, tác giả nhiều cuốn sách rồi diễn giả nữa. Nay hưu rồi, anh giữ vai “nhà” gì nhiều nhất. Bác sỹ Đỗ Hồng Ngọc trả lời:
- ...Có lẽ là nhà thương và nhà chùa, vì nhà chùa giúp ta trí tuệ, còn nhà thương giúp ta từ bi, ngoài ra tôi vẫn tham gia dạy ở Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
Trần Duy Lý