1. Cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria bước vào giai đoạn mới sau khi quân đội chính phủ Syria giành lại hoàn toàn thành phố cổ Palmyra.
Việc để mất thành phố cổ ở miền Trung Syria này là một thất bại lớn nhất của IS, kể từ khi tổ chức cực đoan tuyên bố thành lập “Vương quốc Hồi giáo” tự xưng trên các vùng lãnh thổ chiếm đóng ở Syria và Iraq hồi năm 2014.
Tổng thống Syria Bashar Assad tuyên bố, việc quân đội nước này giành lại quyền kiểm soát hoàn toàn thành phố cổ Palmyra cho thấy, chiến lược mà quân đội chính phủ Syria và các đồng minh đang theo đuổi trong cuộc chiến chống khủng bố đã thành công. Chuỗi thất bại liên tiếp của IS trên nhiều vùng lãnh thổ quan trọng tại Iraq và ở Syria mới đây là một đòn chí mạng giáng vào tổ chức cực đoan này.
Trong bối cảnh IS đang suy yếu, quân đội chính phủ Syria có thể thừa thế thắng, tiếp tục các mũi tiến công nhằm thay đổi tương quan lực lượng trên chiến trường, dưới sự trợ giúp của sức mạnh vượt trội từ các cuộc không kích của Nga. Tuy nhiên, mặt trận chống IS được dự báo sẽ còn vô cùng khó khăn, phức tạp khi tổ chức cực đoan này âm mưu bù đắp những thất bại ở Iraq và Syria bằng những vụ tiến công trả đũa nhằm vào các nước tham gia cuộc chiến chống IS, tiến hành các vụ đánh bom đẫm máu ở châu Âu.
Trong bối cảnh các cuộc đàm phán hòa bình Syria diễn ra tại Geneve (Thụy Sĩ) bắt đầu có những tiến triển, thắng lợi của quân đội chính phủ tại Palmyra sẽ giúp chính quyền của Tổng thống B. Asshad có thế thượng phong trên bàn đàm phán.
Giới phân tích nhận định, quyết định can thiệp quân sự của Nga mang lại những chuyển biến đáng kể trong nỗ lực bình ổn tình hình Syria. Mỹ phải thừa nhận vai trò quan trọng của Nga trong việc tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria. Những cuộc tiếp xúc giữa các nhà lãnh đạo Nga và Mỹ trong thời gian qua diễn ra thường xuyên cho thấy, Mỹ cần sự tham gia của Nga trong giải quyết các vấn đề quốc tế lớn.
2. Hội nghị Thượng đỉnh về An ninh hạt nhân lần thứ 4 với sự tham gia của lãnh đạo hơn 50 quốc gia, vừa diễn ra trong 2 ngày 31-3 và 1-4 tại Thủ đô Washington của Mỹ, thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế. Điều này càng trở nên cấp bách trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều bất ổn, nhiều điểm nóng xuất hiện, cùng với các tổ chức khủng bố mưu toan sở hữu hạt nhân cho các mục đích xấu xa.
Cách đây 6 năm, Hội nghị Thượng đỉnh về An ninh hạt nhân lần đầu tiên được tổ chức tại Washington vào năm 2010 theo sáng kiến của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Quá trình tổ chức các hội nghị đến nay đã mang lại nhiều thành quả, như hoàn toàn chấm dứt sử dụng Uranium được làm giàu ở cấp độ cao (HEU) ở 12 quốc gia, đóng cửa hoặc chuyển sang sử dụng Uranium được làm giàu ở cấp độ thấp (LEU) tại 24 lò phản ứng và các cơ sở sản xuất chất đồng vị mà trước đó đã sử dụng HEU, nâng cấp an ninh tại 32 tòa nhà lưu giữ nguyên liệu có thể phân hạch.
Hội nghị lần này, bên cạnh các biện pháp tăng cường an ninh và kiểm soát các nguyên liệu phân hạch, gồm Uranium và Plutonium được làm giàu ở cấp độ cao, các nhà lãnh đạo cũng thảo luận các sáng kiến nhằm tăng cường bảo đảm an ninh hạt nhân và các chất phóng xạ, cùng các kế hoạch hành động đối với 5 tổ chức quốc tế chính, gồm: Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Liên hợp quốc, Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol), Sáng kiến Toàn cầu chống khủng bố hạt nhân (GICNT), Hợp tác Toàn cầu về chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (Global Parnership).
PV