Trong một tuyên bố, nhà thiên văn học Seth Shostak (Xét Sô-xtắc) đến từ Viện Tìm kiếm trí tuệ ngoài Trái Đất (SETI) của Mỹ cho biết dự án kéo dài 2 năm này bao gồm việc đánh giá kỹ lưỡng 20.000 ngôi sao lùn đỏ cùng với những thiên thể quay quanh chúng từ danh sách 70.000 ngôi sao lùn đỏ khác trong vũ trụ. Để làm được điều này, các nhà khoa học sẽ sử dụng kính thiên văn vũ trụ Allen Telescope Array của SETI được đặt tại bang California (Ca-li-pho-ni-a), theo đó thiết bị này được trang bị 42 ăngten giúp họ có thể quan sát đồng thời mỗi 3 ngôi sao.
Tiếp đó, nhóm các nhà khoa học này sẽ quan sát những ngôi sao lùn đỏ một cách kỹ lưỡng ở dải tần số từ 1 đến 10 GHz. Khoảng một nửa dải tần số này sẽ nằm trong cái gọi là "những tần số ảo" có liên quan trực tiếp tới các hằng số toán học cơ bản. Theo các nhà thiên văn học, khả năng người ngoài hành tinh nếu muốn sự chú ý cũng sẽ tìm cách phát đi những tín hiệu xung ở những tần số đặc biệt tương tự.
Từ lâu, các nhà khoa học đã loại trừ khả năng tìm kiếm tín hiệu xung ở khu vực quy tụ các ngôi sao lùn đỏ do "những vùng sống được" ở quanh những ngôi sao này có diện tích không lớn. Theo đó, khoảng cách giữa các hành tinh quay quanh chúng quá gần đến nỗi một bên bề mặt của các hành tinh này sẽ phải đối diện thường xuyên với các ngôi sao, khiến một phần hành tinh thì rất nóng trong khi phần còn lại thì lạnh và tối tăm. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng khối nhiệt nóng ở phần sáng trên bề mặt của những hành tinh trên có thể di chuyển sang phần tối, điều đó đồng nghĩa sự sống có thể tồn tại trên phần lớn bề mặt của những hành tinh này.
Theo TTXVN