Đây cũng là con tàu thứ 8 trong “sơ ri” 8 tàu đầu tiên được cho vay vốn theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ (vốn 67). Như vậy, qua gần hai năm triển khai thực hiện Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản và Nghị định 89/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67, một số ngư hộ trong tỉnh đã tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ nói trên để đóng mới tàu công suất lớn khai thác hải sản xa bờ và làm dịch vụ hậu cần trên biển. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số vướng mắc cần sớm được tháo gỡ.
Tàu dịch vụ hậu cần đóng mới bằng vỏ Composite mang tên Việt Anh của ngư dân Nguyễn Đức Hải
ở thôn Mỹ Tân, xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải.
Những ghi nhận bước đầu
Có thể nói, để đưa “dòng chảy” nguồn vốn 67 đến với những ngư dân có nhu cầu và quyết tâm, chí thú đánh bắt xa bờ bằng những con tàu lớn phải kể đến nỗ lực của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Hướng dẫn về trình tự, thủ tục đăng ký, xét duyệt, thẩm định, phê duyệt hồ sơ vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu theo chính sách tín dụng tại Nghị định 67. Đồng thời chỉ đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn khẩn trương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tiếp cận thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt các dự án đủ điều kiện cho vay. Tổ chức làm việc trực tiếp với ngư dân và cấp ủy, chính quyền xã, phường để nắm bắt và đề xuất tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện… Đặc biệt, các Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT tỉnh và huyện đã tích cực hướng dẫn ngư dân về quy trình đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu cá và tàu dịch vụ hậu cần nghề cá; các quy định của Ngân hàng về các điều kiện giải ngân trong quá trình cho vay và tổ chức cho tất cả ngư dân được phê duyệt tham quan các cơ sở đóng tàu, mục đích tiết kiệm chi phí cho từng khách hàng trong khảo sát, học tập kinh nghiệm...
Giai đoạn 2014-2016, tỉnh ta được phân bổ đóng mới 71 tàu, trong đó có 66 tàu khai thác và 5 tàu dịch vụ hậu cần. Riêng trong năm 2015, trong số 13 dự án được duyệt, chỉ có 8 dự án thực hiện, có 5 dự án ngư dân xin rút không thực hiện với nhiều lý do, trong đó có 3 ngư dân đều thuộc địa bàn xã Tri Hải, 1 ngư dân xã Thanh Hải (Ninh Hải), còn lại 1 ngư dân phường Mỹ Đông (Tp.Phan Rang - Tháp Chàm). Trong số 8 dự án còn lại Ngân hàng NN&PTNT tỉnh đã ký hợp đồng và giải ngân vốn đóng mới gồm: 3 tàu hậu cần (1 vỏ composit, 1 vỏ gỗ bọc composit, 1 vỏ sắt) và 5 tàu khai thác (2 vỏ composit, 3 vỏ gỗ bọc composit). Tàu có công suất thấp nhất là 500 CV như tàu hậu cần nghề cá, vỏ tàu bằng composite của ngư dân Nguyễn Đức Hải (Ninh Hải); cao nhất là 1.000 CV như tàu của ngư dân Võ Ngọc Minh (Tp.Phan Rang - Tháp Chàm) đóng mới tàu hậu cần vật liệu gỗ bọc composite. Đến nay đã giải ngân trên 55,7 tỷ đồng, trong tổng số 71 tỷ đồng vốn tín dụng ngân hàng ký kết cho vay, đạt 78,5% kế hoạch.
Như vậy, với mức cho vay theo nhu cầu của khách hàng từ 70% đến 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới bằng tài sản bảo đảm là chính con tàu. Những kết quả trên cho thấy Nghị định 67 đã được ngư dân vui mừng đón nhận. Đây thực sự là tín hiệu vui, động viên và tiếp thêm nghị lực cho ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, tăng năng lực khai thác, đánh bắt hải sản và góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.
Những vướng mắc cần được tháo gỡ
Trong năm 2016, dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư cho vay thêm 12 tàu. Cân phân mà nói, thời gian qua, các khó khăn vướng mắc liên quan đến vốn tín dụng như cho ngư dân vay phần ứng trước cho cơ sở đóng tàu ngay sau khi ký hợp đồng; kéo dài thời gian trả nợ dự án (từ 11 năm lên 16 năm đối với tàu vỏ thép và vật liệu mới) để giảm áp lực trả nợ do các tàu loại này có suất đầu tư lớn và một số vướng mắc khác đã được tháo gỡ bằng Nghị định 89/2015/NĐ-CP của Chính phủ bổ sung, sửa đổi Nghị định 67. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, thực hiện vẫn còn nổi lên một số vướng mắc, đó là theo phản ánh của các ngư dân, vướng mắc lớn nhất trong triển khai dự án thời gian qua là ở khâu thiết kế và phê duyệt thiết kế còn chậm, nhất là đối với tàu không có mẫu sẵn như tàu composite và tàu gỗ thường kéo dài từ 2-3 tháng từ khi ký hợp đồng và đặt cọc thiết kế, trong khi đây là khâu quan trọng, vì nếu không có phê duyệt thiết kế thì ngư dân không thể thực hiện các bước tiếp theo như ký hợp đồng đóng tàu, hợp đồng vay và giải ngân vốn vay. Mặt khác, trong quá trình thực hiện để phù hợp với thực tế và nâng cao hiệu quả hoạt động, khai thác của các tàu cũng như các Ngân hàng tạo điều kiện cho ngư dân được vay vốn với mức tối đa theo quy định của Chính phủ (95% tổng vốn đầu tư đối với tàu sắt, tàu composit và 70% đối với tàu gỗ) nên công suất, tổng mức đầu tư và vốn vay ngân hàng phát sinh thực tế có thay đổi so với Quyết định số 502/QĐ-UBND ngày 5-3-2015. Vì vậy, theo đề nghị của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, UBND tỉnh cần sớm có chỉ đạo để đảm bảo điều kiện triển khai các chính sách hỗ trợ theo Nghị định 67 và 89 cho các ngư dân...
Vấn đề cũng đáng quan tâm đó là mong muốn được vay vốn lưu động để tiếp tục đầu tư khai thác hiệu quả tàu đóng mới. Ông Nguyễn Đức Hải (thôn Mỹ Tân 1, xã Thanh Hải, Ninh Hải) là chủ tàu hậu cần Việt Anh - một trong những “tàu 67” hạ thủy đầu tiên của tỉnh, bộc bạch: Tàu đưa về đã gần 5 tháng nhưng chưa thể đi thu mua hải sản xa bờ vì mọi vốn liếng của gia đình đã dồn vào đầu tư đóng tàu nên... ”đứt” vốn. Anh cho biết thêm, do đóng tàu lớn nên không thể thu mua hải sản gần bờ mà phải đi ra các đảo như Phú Quý, Thổ Chu, Trường Sa... mới đủ số lượng thu mua trong một chuyến ra khơi. Mong muốn cháy bỏng của chủ tàu hậu cần Việt Anh là Ngân hàng NN&PTNT tiếp tục cho vay vốn lưu động để có điều kiện thu mua hải sản xa bờ, tránh phải vay nặng lãi ở bên ngoài, góp phần hiện thực hóa được giấc mơ “chinh phục biển Đông”, bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc bằng những “con tàu 67”.
Thực hiện chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định 67, Nghị định 89 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát triển kinh tế biển một cách toàn diện, đồng bộ, bền vững, gắn khai thác với dịch vụ và hạ tầng phục vụ nghề cá, hình thành chuỗi sản xuất khai thác - dịch vụ - chế biến và tiêu thụ. Vì vậy, việc sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả ngư dân đầu tư đóng mới, khai thác hiệu quả tàu công suất lớn cần được coi là yếu tố quan trọng hàng đầu trong phát triển kinh tế biển, góp phần tạo thêm nhiều “con tàu 67” tiếp tục ra khơi.
Theo Quyết định số 220/QĐ-NHNo-HSX ngày 3-3-2016 của Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam ban hành quy định cho vay đối với khách hàng vay vốn Về một số chính sách phát triển thủy sản:
Điểm e, Khoản 1, Điều 12: (Điều 12: Cơ chế bảo đảm tiền vay) nêu rõ:
“Trường hợp chủ tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu cung cấp dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ tham gia liên kết theo chuỗi sản xuất từ khâu khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, Agribank nơi cho vay kiểm soát được dòng tiền trong chuỗi giá trị thì được xem xét cho vay vốn lưu động không có bảo đảm bằng tài sản.”
Mai Dũng