Đang trong vụ Bấc, do thời tiết không thuận lợi, từ đầu năm đến cuối tháng 3, ước tính sản lượng khai thác hải sản tỉnh ta đạt 13.387 tấn, chỉ bằng 57,4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên từ cuối tháng 3, thời tiết bắt đầu thuận lợi cho hoạt động khai thác thủy sản. Trên các vùng biển Trung và Nam Trung Bộ liên tục xuất hiện các đàn cá nổi (cá cơm, cá nục, cá trác, mực…) với trữ lượng lớn, thêm nữa giá xăng dầu hạ, làm giảm chi phí đầu vào cho chuyến biển nên đã tác động tích cực cho ngư dân chuẩn bị bước vào vụ cá Nam. Đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, trong quý I, toàn tỉnh đã thả nuôi 142ha (trong đó có 100 ha năm 2015 chuyển sang), đạt 18,9% kế hoạch, bằng 96,6% so với cùng kỳ; qua thu hoạch đạt sản lượng 1.020 tấn. Điều phấn khởi là hầu hết người nuôi thực hiện nghiêm lịch ngắt vụ, không nuôi trái vụ như những năm trước nên dịch bệnh nguy hiểm không xuất hiện. Về sản xuất giống, tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh sản xuất 4,6 tỷ con giống, bao gồm 3,3 tỷ con tôm thẻ chân trắng giống và 1,3 tỷ con tôm sú giống, đạt 14,2% kế hoạch và bằng 81% so với cùng kỳ. Ngoài ra còn có 12 triệu con ốc hương giống và 1 triệu con giống cá nước ngọt cũng được sản xuất.
Tàu Hoàng Sa, tàu vỏ thép đầu tiên của ngư dân tỉnh ta được đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP.
Anh Đặng Văn Tín, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, cho biết: “Nhìn lại năm qua, dù còn những khó khăn nhất định song có thể nói kinh tế thủy sản tỉnh ta đã và đang phát huy lợi thế phát triển ngành, huy động đầu tư, khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế thủy sản như: Năng lực tàu thuyền, sản xuất giống hải sản, lao động biển được đào tạo nghiệp vụ”. Những yếu tố đó đã làm tăng mạnh sản lượng khai thác hải sản và sản lượng giống thủy sản từng năm. Thật vậy, so sánh trong 5 năm qua với việc chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp, cụ thể từ chiếm 34,9% năm 2010 lên 49,4% trong năm 2015, một lần nữa thủy sản đã cho thấy vị thế quan trọng và sự đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế tỉnh nhà. Đặc biệt từ khi Đề án “Tổ chức lại nghề khai thác hải sản tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2013-2020” được triển khai, điểm nhấn là tập trung sắp xếp lại hoạt động khai thác ven bờ, phát triển đội tàu công suất lớn với các tổ đoàn kết trên biển để vươn khơi khai thác, từng bước hoàn chỉnh hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá, đã tạo bước ngoặt mới cho nghề cá tỉnh nhà.
Gần đây, qua thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, tỉnh ta có 8 ngư dân được phê duyệt vay vốn đợt đầu để đóng 1 tàu vỏ sắt, 3 tàu vỏ composite, 4 tàu vỏ gỗ bọc composite và hiện đang có nhiều ngư dân nộp hồ sơ xin xét duyệt vay vốn đợt 2. Qua đó có thể thấy trong lĩnh vực khai thác hải sản đang có những chuyển động mới. Theo ghi nhận của chúng tôi, so với đầu năm, năng lực tàu cá toàn tỉnh đã có thêm 10 chiếc (4.835CV) đóng mới, nâng tổng số tàu cá toàn tỉnh hiện có 2.745 chiếc; riêng tàu cá có công suất từ 90CV trở lên có 1.529 chiếc (264.287CV). Đó là nhân tố quan trọng tạo tiền đề cho tỉnh ta xúc tiến tổ chức lại sản xuất nghề cá và chuyển dịch dần cơ cấu hải sản đánh bắt theo hướng đi xa bờ, nâng cao giá trị kinh tế, trước mắt là khai thác hiệu quả trong vụ cá Nam sắp đến.
Theo anh Đặng Văn Tín, để chuẩn bị bước vào vụ cá Nam năm nay, ngành Thủy sản tỉnh ra sức tác động hỗ trợ, tạo ra xu hướng phát triển mới của cả lĩnh vực khai thác hải sản lẫn nuôi trồng thủy sản ở tỉnh ta. Riêng lĩnh vực khai thác đánh bắt, hướng tới mục tiêu đạt sản lượng khai thác 75.600 tấn hải sản các loại trong năm nay. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vận động bà con ngư dân trong tỉnh ra sức bám biển, đầu tư phát triển tàu công suất lớn, đoàn kết vươn khơi và nghiêm cấm các nghề khai thác có tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản. Trước mắt trong quý 2, tiếp tục triển khai kế hoạch vận động, hướng dẫn và hỗ trợ ngư dân tham gia khai thác hải sản trên vùng biển xa theo Nghị định 67 và tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Đề án Tổ chức lại nghề khai thác hải sản.
Bạch Thương