1. Biết cách sử dụng trò chơi phù hợp với đối tượng: Khi chuẩn bị cuộc chơi, quản trò phải quan sát trạng thái tâm lý, niềm say mê nhiệt tình của người chơi, từ đó lựa chọn những trò chơi cho phù hợp. Hãy chọn những trò chơi đơn giản mà mọi người đều dễ dàng thực hiện. Khi người chơi đã nhập cuộc thì tiếp tục đưa vào những trò chơi đòi hỏi cao hơn, phức tạp hơn.
2. Bắt đầu cuộc chơi một cách dí dỏm, hài hước, hấp dẫn: Để người chơi nhiệt tình, chủ động tham gia trò chơi, trước hết, người quản trò cần dùng những lời nói ngắn gọn, hài hước, dí dỏm giới thiệu tên trò chơi, cách chơi và những “luật lệ” cần tuân thủ. Sau cùng là nêu trước ý định sẽ thưởng phạt những ai chơi tốt hay phạm luật. Cần cho mọi người “chơi nháp”, sau đó tiến hành chơi thật và cử trọng tài bắt lỗi những ai phạm luật.
3. Biết điều hành trò chơi một cách linh hoạt, thông minh: Dự kiến những tình huống bất trắc và xử lý tình huống một cách hợp lý. Quản trò phải di chuyển sao cho có thể quan sát được toàn bộ cuộc chơi, nhanh chóng phát hiện ra những người lanh lợi, hoạt bát, dí dỏm làm nòng cốt cho cuộc chơi. Biết dùng những trò chơi phụ làm “hình phạt” tạo điều kiện cho mọi người được thư giãn và biết chấm dứt cuộc chơi đúng thời điểm. Quản trò cần thuộc một số bài hát cộng đồng để phục vụ sinh hoạt tập thể.
4. Biết cách luyện tập tác phong phù hợp trong khi điều khiển trò chơi: Dáng điệu, cử chỉ của người quản trò phải gây được thiện cảm, tạo sự chú ý ban đầu, tạo nên sự gần gũi thân quen trong suốt cuộc chơi. Biết khích lệ tán dương sự cố gắng của mọi người nhằm bảo đảm hiệu quả giáo dục sâu sắc trong cuộc chơi. Cần tích lũy vốn trò chơi, kỹ năng tổ chức chơi và phong cách của người quản trò. Chú ý lắng nghe ý kiến nhận xét, quan sát thái độ của người chơi để điều chỉnh những gì chưa hợp lý.
DM ( Sưu tầm)