Ứng phó với hạn hán là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của cả hệ thống chính trị

(NTO) Trước tình hình hạn hán diễn ra ngày càng gay gắt, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân trên địa bàn tỉnh, ngày 14-3, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 558/QĐ-UBND công bố thiên tai (hạn hán) xảy ra từ ngày 1-3-2016 ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Phóng viên Báo Ninh Thuận có cuộc trao đổi với đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh xung quanh vấn đề này.

Đồng chí Trần Quốc Nam
Phó Chủ tịch UBND tỉnh

Phóng viên: Thưa đồng chí, tình hình hạn hán đã và đang diễn ra gay gắt ở tỉnh ta. Xin đồng chí cho biết ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của Nhân dân trong tỉnh hiện nay như thế nào?

Đồng chí Trần Quốc Nam: Chưa có khi nào tỉnh ta lại hứng chịu hạn hán kéo dài như hiện nay. Từ vụ hè-thu năm 2014, nông dân đã phải gồng mình ứng phó với hạn hán, đến vụ đông - xuân 2015-2016 hạn hán tiếp tục diễn ra với mức độ gay gắt, khốc liệt hơn. Đến nay, lượng nước ở 20 hồ chứa trên địa bàn tỉnh chỉ còn 54 triệu m3, đạt 28% dung tích thiết kế; trong đó, hồ Ông Kinh và hồ Tà Ranh đã cạn kiệt nước. Với tình hình thời tiết như hiện nay, khoảng 2 tháng nữa, những hồ chứa còn lại sẽ cạn nước. “Hạn chồng lên hạn” khiến một số diện tích cây trồng bị thiệt hại, phải ngưng sản xuất. Cụ thể, tổng diện tích ngưng sản xuất trong vụ đông-xuân 2015-2016 là 5.775ha; trong đó, cây lúa 2.645ha, cây màu 3.130ha. Từ cuối tháng 2 đến nay, có 67ha lúa giai đoạn trổ đòng đến chắc hạt ở xã Phước Thái và một số diện tích ở cuối nguồn kênh Chàm thuộc địa bàn huyện Ninh Phước bị thiếu nước. Đáng lo ngại, 48ha đất sản xuất phía ngoài đê sông Dinh thuộc địa bàn Tp. Phan Rang-Tháp Chàm bị nhiễm mặn, cụ thể: Phường Phước Mỹ 10ha, Phủ Hà 9ha, Đạo Long 7ha, Tấn Tài 8ha, Mỹ Đông 7ha, Mỹ Hải 7ha. Nắng hạn đã ảnh hưởng đến đời sống của Nhân dân, một số hộ dân ở thôn Khánh Tân (xã Nhơn Hải, Ninh Hải); Tam Lang (xã Phước Nam), Thương Diêm 1, Thương Diêm 2 (xã Phước Diêm, Thuận Nam)… thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

Bộ đội Quân khu 5 sử dụng xe chuyên dùng cung cấp nước sinh hoạt cho người dân
thôn Khánh Tân (xã Nhơn Hải, Ninh Hải). Ảnh: Thanh Long

Phóng viên: Với tình hình như trên, tỉnh đã có giải pháp gì để cùng với người dân tập trung ứng phó với hạn hán, thưa đồng chí?

Đồng chí Trần Quốc Nam: Trước tình hình hạn hán diễn ra khốc liệt, Tỉnh ủy, UBND tỉnh xác định công tác ứng phó với hạn hán là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của cả hệ thống chính trị, với mục tiêu không để dân khát, không để dịch bệnh phát sinh trên đàn gia súc, hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra. Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, các ngành, địa phương đã vào cuộc cùng với Nhân dân vượt qua khó khăn. Với phương châm “sống chung với hạn”, các địa phương đã huy động lực lượng nạo vét kênh mương, đặt các trạm bơm dã chiến hút nước từ các hồ, đập, kênh mương lên tưới cho cây trồng. Đơn cử, huyện Ninh Phước đã tổ chức nạo vét 4,3km kênh Chàm, 7,4km kênh cấp III, đảm bảo kịp thời nguồn nước tưới cho các vùng khô hạn cục bộ; đồng thời, đặt các máy bơm nước từ sông Quao lên tưới cho 20ha lúa thiếu nước ở xứ đồng Láng Ngựa, xã Phước Thuận, giảm thiểu thiệt hại cho người sản xuất. Tỉnh cũng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với địa phương chủ động điều tiết nước luân phiên giữa các kênh, đập thuộc hệ thống thủy lợi Sông Pha, Nha Trinh, Lâm Cấm; duy trì Tổ dùng nước có sự giám sát của cộng đồng (PIN) nhằm chủ động điều tiết nước theo phương pháp “nông-lộ-phơi”; áp dụng mô hình tưới nước tiết kiệm trên các loại cây trồng cạn để tiết kiệm nước.

Nông dân xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn) chuyển đổi diện tích lúa không chủ động nước sang trồng đậu xanh chịu hạn,
đảm bảo nguồn nước tưới. Ảnh: Văn Nỷ

Cùng với giải pháp về mặt thủy lợi, chương trình chuyển đổi cây trồng cạn ở những khu vực thiếu nước sản xuất cũng được chú trọng. Chương trình được triển khai ở những vụ mùa trước đạt được mục đích đề ra là nâng cao giá trị đơn vị sản xuất, tạo thêm thu nhập cho nông dân, đến vụ đông-xuân này tiếp tục được thực hiện với quy mô lớn hơn nhiều. So với trước đây, công tác chuyển đổi cây trồng ở vụ này đúng theo tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh là hướng đến bền vững, lâu dài và có hiệu quả. Các huyện đã tập trung vận động nông dân đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng tạo thành cuộc “cách mạng” sâu rộng. Một số nơi có những cách làm linh hoạt, mang tính sáng tạo cao, phù hợp với điều kiện thực tế ở từng khu vực. Đơn cử, huyện Thuận Bắc đã giao chỉ tiêu pháp lệnh cho các xã chuyển đổi cụ thể ở từng xứ đồng, đảm bảo đúng theo kế hoạch. Các huyện Thuận Nam, Ninh Hải, Ninh Phước, Ninh Sơn…, công tác chuyển đổi cây trồng cũng đạt được nhiều kết quả. Đến nay, toàn tỉnh chuyển đổi được gần 1.300ha cây trồng cạn (chủ yếu bắp, đậu xanh, cỏ chăn nuôi), đạt 122,33% kế hoạch. Riêng giải pháp đảm bảo duy trì đàn vật nuôi, bên cạnh vận động Nhân dân trồng cỏ, tận thu phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn gia súc, đã tổ chức di chuyển 3.550 con bò, dê, cừu đến các cánh đồng vừa thu hoạch xong để tìm nguồn thức ăn.

Nông dân xã Vĩnh Hải (Ninh Hải) khoan giếng tìm nguồn nước tưới cho cây trồng.

Với quyết tâm không để cuộc sống các hộ dân vùng hạn hán bị xáo trộn, tỉnh đã chỉ đạo tập trung chở nước sinh hoạt hỗ trợ nhân dân ở vùng thiếu nước, cấp gạo cho các hộ phải ngưng sản xuất do hạn hán. Tỉnh đang đề nghị Trung ương hỗ trợ 1.954 tấn gạo cấp cho 30.922 hộ dân vùng hạn hán trong đợt 1-2016 vào thời gian tới. Chỉ đạo đơn vị chức năng tổ chức vận hành hệ thống cấp nước, đấu nối đường ống cấp nước sinh hoạt kịp thời cho vùng nông thôn. Tính đến nay, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 21 công trình cấp nước sinh hoạt với số hộ được hưởng lợi là 971. Hiện có 3 công trình nước sạch đang tiếp tục được đầu tư; trong đó, 2 công trình dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 3, công trình còn lại hoàn thành vào tháng 6.

Đó là các giải pháp cấp bách trước mắt, về lâu dài để ứng phó với hạn hán cần phải đầu tư nâng cấp đồng bộ các công trình thủy lợi. Bên cạnh đầu tư hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, tỉnh rất cần Trung tương hỗ trợ nguồn vốn để liên thông các hồ chứa nước, khắc phục tình trạng thiếu nước cục bộ như hiện nay.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!