Chuyện xem bói

(NTO) Sau Tết Nguyên đán, nhiều người có thói quen đi xem bói với mong muốn biết trước điều lành, dữ... Tuy nhiên, tệ trạng này đã gây ra nhiều cảnh bi hài đối với một số người còn mê tín….

Đa dạng kiểu xem bói

Qua tìm hiểu, chúng tôi biết hiện nay có rất nhiều kiểu xem bói: Xem qua những quân bài Tây, xem bằng lá, chỉ tay, xem tướng, thậm chí có nơi còn “lên đồng”, nhập hồn người cõi âm về phán… Trong vai người đi xem bói, chúng tôi tìm tới 3 địa chỉ… Nổi tiếng về xem bói bài Tây, nên dù nhà cô Út (phường Phủ Hà, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) nằm lọt thỏm trong con hẻm sâu vẫn có rất nhiều người tìm đến xem bói. Vừa nhìn thấy chúng tôi, cô Út ra hiệu vào nhà ngồi đợi. Được gọi vào, cô hỏi chúng tôi tuổi và ngồi bốc bài. Vừa trải những quân bài Tây ra bàn, cô dùng nhịp điệu nhanh và đều, đôi mắt lướt qua các lá bài, lim dim nhìn chúng tôi rồi phán. Sau mỗi ý, cô dừng lại và hỏi “có đúng hay không?”.

Chưa thỏa sự tò mò, chúng tôi tiếp tục đến nhà cô H. (phường Mỹ Hương, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) được “quảng cáo” là xem đúng, thu hút nhiều khách thập phương. Do lượng khách sau Tết quá đông nên cô H. tổ chức như hoạt động của phòng khám bệnh ngoài giờ: Bố trí người trực để phát số thứ tự, cho số điện thoại để hẹn trước. Phần lớn các thầy bói đều tận dụng nhà riêng làm nơi hành nghề. Những người đi xem bói thường có thắc mắc, ngờ vực trong lòng về vấn đề gì đó. Nắm bắt được điều này, các “thầy” dựa vào sắc diện, biểu hiện tâm lý trên gương mặt và lời ăn tiếng nói, cử chỉ, hành động của “khổ chủ” mà phần nào dự tính trước những điều sẽ phán. Trong những lời của thầy bói, nếu chú ý, sẽ dễ dàng nhận thấy họ thường xuyên sử dụng ngôn từ mang tính tương đối, “vận” vào trường hợp nào cũng có ý đúng. Nhìn chung tất cả các “thầy” trước khi xem đều hỏi năm sinh của khách. Tùy theo số tuổi, giới tính các thầy sẽ phán chung chung để khách tự hiểu. Nếu khách là nữ chưa chồng thì “thầy” tập trung nói đường tình duyên như có người đang theo đuổi, đang yêu một ai đó… Nếu khách là các bà, các mẹ thì các thầy “học thuộc” tờ tử vi để phán tính tình của gia chủ. Sau khi tạo được niềm tin, nắm bắt tâm lý của khách, các “thầy” bắt đầu dự báo trước những niềm vui, vận hạn gặp trong tương lai. Mỗi lần được xem khách đặt tiền lễ dao động từ 30-50 ngàn đồng.

Không nên tin vào bói toán

Là người thường xuyên đi xem bói, chị A. (phường Mỹ Bình, Tp. Phan Rang Tháp-Chàm) chia sẻ: “Ngày trước tôi thường đi xem bói đầu năm cho yên tâm, thấy lời thầy bói “linh nghiệm”, tuy nhiên khi được xem trang tử vi ứng tuổi của mình, tôi mới biết những điều thầy phán đều có ghi cụ thể trong sách. Vì vậy, bây giờ tôi không xem nữa, số phận tương lai đều do mình quyết định mà thôi”. Mặc dù vậy không ít người vẫn còn tìm đến những địa chỉ bói toán như một “biển chỉ dẫn” cho những quyết định của mình. Khi gia đình có cưới hỏi, ma chay, đau ốm, làm ăn…, họ đều tìm đến thầy bói đầu tiên. Đơn cử như chuyện của chị T. (phường Đài Sơn, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) lấy chồng gần 5 năm nhưng vẫn chưa có con nên vợ chồng thường hay lục đục. Buồn phiền, lo âu, chị tìm đến thầy bói. Vì tin lời thầy phán là do không hợp tuổi, khắc cung mạng nên muốn có con vợ chồng chị phải làm lễ giải “vận hạn” nên chị không tiếc tiền mua lễ đến nhờ thầy. Chờ mãi con thì chả thấy đâu mà tiền lễ ngày càng nhiều, thậm chí tình cảm vợ chồng càng sứt mẻ hơn trước. Đối với những người như chị T. việc nương theo lời thầy phán khiến họ yên tâm, tự tin hơn trong “đường đi, nước bước”, nhưng cũng không ai dám kiểm chứng lời thầy bằng cách làm ngược lại, từ đó hình thành thói quen đi xem bói, bất kể chuyện lớn nhỏ.

Dân gian có câu “Bói ra ma, quét nhà ra rác” vì thế không nên tin lời phán của “thầy” một cách mù quáng mà “tiền mất, tật mang”.