Thông qua Pháp lệnh quản lý thị trường

Tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 46, sáng 8/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét, thông qua Pháp lệnh quản lý thị trường.

 
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu phát biểu tại phiên họp (Ảnh: KT)

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Pháp lệnh quản lý thị trường, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, tại phiên họp thứ 43 ngày 10/12/2015, UBTVQH đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Pháp lệnh quản lý thị trường. Trên cơ sở ý kiến của UBTVQH, Ủy ban Kinh tế đã chủ trì, phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự án Pháp lệnh, đồng thời khảo sát tại một số địa phương (Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Long An, Lào Cai và Lạng Sơn) và tổ chức tọa đàm lấy ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý để hoàn thiện dự án Pháp lệnh.

Theo đó, về tổ chức của lực lượng Quản lý thị trường, đa số ý kiến đề nghị quy định về mô hình tổ chức của lực lượng Quản lý thị trường trong dự án Pháp lệnh, cần làm rõ mô hình tổ chức của lực lượng với nguyên tắc tập trung, thống nhất từ trung ương đến địa phương. Có ý kiến cho rằng, việc cân nhắc mô hình tổ chức bộ máy của Quản lý thị trường cần bảo đảm sự phối hợp, trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là chính quyền địa phương trong hoạt động quản lý thị trường hàng hóa. Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ quy định cơ cấu tổ chức Quản lý thị trường theo nguyên tắc tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương và giao Chính phủ quy định cụ thể tổ chức bộ máy của Quản lý thị trường (Điều 9 dự thảo Pháp lệnh).

Theo đó, Ủy ban Kinh tế tiếp thu, chỉnh lý Điều 9 dự thảo Pháp lệnh: “Lực lượng Quản lý thị trường được tổ chức từ trung ương đến địa phương theo nguyên tắc tập trung, thống nhất”, “Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của lực lượng Quản lý thị trường các cấp”; đồng thời bổ sung đầy đủ hơn trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, tổ chức tại Chương VII. Việc quy định mô hình tổ chức của lực lượng Quản lý thị trường như dự án Pháp lệnh tương tự mô hình tổ chức của các ngành khác (như thuế, hải quan...).

Về xây dựng lực lượng và công chức Quản lý thị trường, có ý kiến đề nghị bổ sung các nội dung đào tạo công chức Quản lý thị trường, ngạch công chức chuyên ngành, các quy định về điều kiện cấp, sử dụng, thu hồi thẻ kiểm tra thị trường... Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ quy định mang tính nguyên tắc trong dự thảo Pháp lệnh theo hướng ngạch công chức Quản lý thị trường sẽ do Chính phủ quy định tại khoản 2 Điều 10.

Ủy ban Kinh tế tiếp thu, chỉnh lý Điều 6 và các điều từ 10 đến 14 của dự thảo Pháp lệnh. Riêng quy định cụ thể các ngạch công chức Quản lý thị trường, Ủy ban Kinh tế cho là cần thiết, tạo cơ sở cho việc đáp ứng các điều kiện cấp lần đầu, cấp lại, thu hồi, tạm đình chỉ sử dụng thẻ kiểm tra tại các Điều 12, Điều 13 và Điều 14 dự thảo Pháp lệnh do không phải ngạch công chức nào cũng được cấp thẻ kiểm tra thị trường. Việc đưa vào dự thảo Pháp lệnh các quy định chi tiết cũng phù hợp với chủ trương xây dựng luật, pháp lệnh hiện nay của Quốc hội.

Về hoạt động kiểm tra, thanh tra của lực lượng Quản lý thị trường, có ý kiến cho rằng cần nhấn mạnh hoạt động kiểm tra thường xuyên để đấu tranh phòng, chống các vi phạm đạt hiệu quả, việc thực hiện theo kế hoạch kiểm tra khó đáp ứng yêu cầu và không phù hợp với tính phức tạp của thực tiễn. Về vấn đề này, Ủy ban Kinh tế cho biết, hàng năm, lực lượng Quản lý thị trường tiến hành các cuộc kiểm tra thường xuyên theo kế hoạch (kiểm tra định kỳ và kiểm tra theo chuyên đề) về việc thực hiện pháp luật, trong đó có những trường hợp phạm vi và đối tượng kiểm tra có thể liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực và nhiều địa phương. Bên cạnh đó, lực lượng Quản lý thị trường còn tiến hành kiểm tra đột xuất khi thấy cần thiết để xử lý kịp thời các thông tin về hành vi vi phạm hoặc dấu hiệu vi phạm. Để quy định rõ các hình thức kiểm tra của lực lượng Quản lý thị trường, xin tiếp thu và chỉnh lý Điều 17 của dự thảo Pháp lệnh. ..

Giải trình thêm tại phiên họp về tổ chức của lực lượng Quản lý thị trường, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho hay, hiện nay lực lượng quản lý thị trường được tổ chức thống nhất cả nước, ở các tỉnh, thành phố thì có Chi cục nằm trong Sở Công thương, dưới là đội quản lý thị trường ở các huyện. “Thời gian tới, nếu thông qua Pháp lệnh này thì cơ bản vẫn sẽ có 3 cấp trung ương, tỉnh, huyện, chúng tôi chưa nghĩ sâu hơn cấp ở xã, phường” – Bộ trưởng phát biểu..

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, cần tăng cường xây dựng lực lượng quản lý thị trường bởi yêu cầu tình hình thị trường hiện nay vô cùng phức tạp, lực lượng này vừa có chức năng chống gian lậu, độc hại, vừa đảm bảo an toàn cho người dân.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, thực hiện từng bước, tiến tới tổng kết nâng lên thành Luật Quản lý thị trường. Theo Chủ tịch Quốc hội "Luật này phải giống như đèn xanh, đèn đỏ mà người bấm nút đèn là ông quản lý thị trường. Quản lý thị trường không quy định sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi làm ra phải có hàm lượng, chất lượng thế nào. Cái đó để các Bộ người ta lo. Theo các quy định đó, xác định hàng này là hàng giả thì không cho qua, không cho lưu hành trên thị trường. Lực lượng này mới là lực lượng chuyên nghiệp”.

Chủ tịch Quốc hội cũng nêu vấn đề quản lý thị trường đang rất cắt khúc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chịu trách nhiệm trên cánh đồng, ra chợ là Bộ Công thương. “Người đứng đầu quản lý hàng hóa là Bộ Công thương mà để phân tán lực lượng thế này thì Bộ trưởng Bộ Công thương luôn luôn yếu trong quản lý nhà nước. .. nên dứt khoát phải tiến tới luật. Nếu không các Bộ lại đổ tội cho nhau còn dân chịu trận hết” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, Ủy ban Kinh tế cùng cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, tiếp thu những nội dung được các thành viên UBTVQH góp ý trong phiên họp sáng nay.

Trên cơ sở đó, các thành viên UBTVQH đã biểu quyết thông qua Pháp lệnh Quản lý thị trường.

Nguồn Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam