Vai trò của quan trắc phóng xạ môi trường đối với xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân

(NTO) Quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường là rất cần thiết đối với địa phương chuẩn bị xây Nhà máy Điện hạt nhân như tỉnh ta. Hoạt động quan trắc nhằm theo dõi, kịp thời phát hiện những diễn biến bất thường về bức xạ để chủ động đưa ra biện pháp ứng phó đảm bảo an toàn cho dân chúng; đồng thời, giúp người dân nâng cao sự hiểu biết về ảnh hưởng của phóng xạ đến sức khỏe của con người.

Để việc xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 được triển khai vào năm 2019 như dự kiến, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương làm tốt công tác chuẩn bị. Song hành với thực hiện Dự án di dân, tái định cư; Dự án tăng cường thông tin, tuyên truyền tạo sự đồng thuận của công chúng, thì công tác xây dựng báo cáo đề xuất đầu tư Dự án Trạm quan trắc cảnh báo phóng xạ môi trường và Trung tâm Điều hành ứng phó sự cố điện hạt nhân Ninh Thuận cũng được chú trọng. Hoạt động nổi bật ở lĩnh vực này, đó là Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã phối hợp tổ chức các hội thảo làm sáng tỏ vai trò của hoạt động quan trắc phóng xạ môi trường khi xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân.

Các đại biểu xem triển lãm giới thiệu mô hình công nghệ Điện hạt nhân. Ảnh: Văn Miên

Tại hội thảo về công tác thông tin, tuyên truyền điện hạt nhân do Sở KH&CN tổ chức vào cuối tháng 1 vừa qua, Tiến sĩ Vương Thu Bắc, Viện Khoa học Kỹ thuật hạt nhân đã thuyết trình nhiều vấn đề về quan trắc, lĩnh vực còn mới mẻ đối với người dân Ninh Thuận. Tiến sĩ Vương Thu Bắc lý giải: Trong suốt quá trình hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân trên thế giới có một số hạt nhân phóng xạ thải vào môi trường, tồn tại ở 3 dạng: Khí, lỏng và rắn có khả năng phát tán và lan truyền đi xa. Tuy nhiên, do mức độ phóng xạ không vượt quá ngưỡng cho phép nên không ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng. Ở các nước tiên tiến, khi xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân, công tác quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường được đặt lên hàng đầu, tạo được độ tin cậy cho người dân.

Cũng theo Tiến sĩ Vương Thu Bắc, hoạt động quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường là tiến hành đo đạc trực tiếp và phân tích mẫu để nắm bắt được hiện trạng phóng xạ, xác minh được mức độ phóng xạ không vượt quá giới hạn liều tối đa cho phép. Phát hiện mọi sự thay đổi bất thường của các chất thải phóng xạ từ Nhà máy Điện hạt nhân và đánh giá được biến động của chúng trong môi trường. Chỉ có nâng cao hiệu quả hoạt động quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường mới xác định kịp thời bản chất, nguồn gốc, diễn biến của sự thay đổi và đưa ra các biện pháp ứng phó kịp thời đảm bảo an toàn cho dân chúng; đồng thời, kiểm tra, xác nhận được hoạt động của Nhà máy Điện hạt nhân là an toàn và việc thải các chất phóng xạ luôn nằm trong giới hạn cho phép, cung cấp các thông tin chính xác về tình trạng phóng xạ trong môi trường cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách và công chúng.

Do vai trò quan trắc phóng xạ có liên quan đến đảm bảo sức khỏe con người, nên các nước trên thế giới rất quan tâm đến lĩnh vực này. Ở Nhật Bản, hệ thống quan trắc phóng xạ môi trường được thiết lập trên toàn quốc theo các khu vực quản lý hành chính. Dữ liệu quan trắc phóng xạ môi trường được cập nhật trên mạng truyền thông đại chúng, giúp người dân có thể truy cập và biết rõ tình trạng tại khu vực sinh sống hay bất kỳ địa chỉ nào mình quan tâm. Hiện nay, ở nước ta có 4 trạm quan trắc phóng xạ môi trường: Trạm thứ nhất, đặt tại Thủ đô Hà Nội, có nhiệm vụ quan trắc phóng xạ trên địa bàn miền Bắc; Trạm thứ hai, đặt tại Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt (Lâm Đồng) có nhiệm vụ quan trắc phóng xạ khu vực miền Nam; Trạm thứ ba, đầu mối tại Trung tâm Công nghệ xử lý môi trường, có nhiệm vụ quan trắc phóng xạ trên địa bàn miền Trung; Trạm thứ tư, đầu mối tại Liên đoàn Địa chất Xạ hiếm có nhiệm vụ quan trắc phóng xạ tại các mỏ khoáng sản độc hại nằm rải rác khắp cả nước.

Thực tế, công tác này ở tỉnh ta đã được triển khai và đạt được một số kết quả nhất định. Đồng chí Lê Kim Hùng, Giám đốc Sở KH&CN, cho biết: Thời gian qua, đơn vị đã phối hợp điều tra khảo sát thực tế, lựa chọn vị trí xây dựng Trạm quan trắc phóng xạ môi trường và Trung tâm ứng phó sự cố. Từ kết quả khảo sát và đo đạc hiện trường đã chọn được 8 vị trí đặt Trạm quan trắc môi trường cho 2 Nhà máy Điện hạt nhân, địa điểm xây dựng Trung tâm Điều hành ứng phó sự cố điện hạt nhân Ninh Thuận được đặt tại Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, với tổng diện tích 3.270m2. Sau khi Trung tâm đi vào hoạt động, kết quả thực hiện công tác quản lý về an toàn bức xạ hạt nhân sẽ được công bố rộng rãi.