Ảnh minh họa
Theo đó việc mua sắm mới xe ô tô chỉ được thực hiện sau khi các Bộ, ngành, địa phương hoàn thành việc rà soát, sắp xếp xe ô tô phục vụ công tác chung hiện có và có văn bản gửi về Bộ Tài chính theo quy định.
Đối với xe ô tô phục vụ công tác cho các chức danh: Sau khi các Bộ, ngành, địa phương rà soát, sắp xếp số xe ô tô hiện có thuộc phạm vi quản lý mà không có xe ô tô phù hợp để bố trí cho các chức danh có tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô thì các Bộ, ngành, địa phương quyết định mua sắm theo quy định.
Đối với xe ô tô phục vụ công tác chung: Sau khi các Bộ, ngành, địa phương rà soát, sắp xếp lại số xe ô tô phục vụ công tác chung hiện có mà còn thiếu so với tiêu chuẩn, định mức thì đề xuất gửi Bộ Tài chính. Bộ Tài chính sẽ xem xét, điều chuyển xe ô tô theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; trường hợp không có nguồn xe ô tô để điều chuyển, Bộ Tài chính sẽ có văn bản thông báo để các Bộ, ngành, địa phương thực hiện mua sắm mới theo đúng quy định.
Đối với xe ô tô chuyên dùng: Trường hợp xe ô tô chuyên dùng có gắn kèm trang thiết bị chuyên dùng hoặc xe có cấu tạo đặc biệt theo yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ hoặc xe ô tô từ 16 chỗ ngồi trở lên để phục vụ nhiệm vụ đặc thù theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 9 Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg thì các Bộ, ngành, địa phương thực hiện mua sắm theo tiêu chuẩn, định mức được cơ quan có thẩm quyền ban hành theo quy định tại Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; trường hợp xe ô tô chuyên dùng không thuộc xe chuyên dùng quy định trên thì thực hiện mua sắm như trường hợp xe ô tô phục vụ công tác chung.
Nguồn kinh phí mua xe, các Bộ, ngành, địa phương tự sắp xếp, cân đối trong phạm vi dự toán ngân sách năm 2016 được giao. Việc sử dụng nguồn kinh phí mua xe ô tô phải đảm bảo không ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ khác của cơ quan, đơn vị.
Mua sắm xe ô tô đối với chương trình, dự án
Đối với Dự án sử dụng vốn vay nước ngoài, Bộ Tài chính nêu rõ các Chương trình/dự án sử dụng vốn vay nước ngoài thì việc mua sắm xe ô tô, phương tiện đi lại phải được xem xét, cân đối từ vốn đối ứng theo đúng tiêu chuẩn, định mức quy định và khả năng cân đối kinh phí mua sắm, kinh phí vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa ô tô, phương tiện đi lại; không dùng vốn vay để trang bị xe ô tô, phương tiện đi lại nhằm giảm chi phí vay nước ngoài.
Các Chương trình/dự án sử dụng vốn ODA, trong các trường hợp thật sự cần thiết, các cơ quan, đơn vị, ban quản lý dự án có nhu cầu trang bị xe ô tô, phương tiện đi lại cần xây dựng phương án trang bị xe ô tô, phương tiện đi lại, phương án sử dụng, đối tượng sử dụng, nguồn kinh phí và khả năng bố trí kinh phí vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa, báo cáo cơ quan chủ quản để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước khi đưa vào nội dung Hiệp định vay hoặc Văn kiện chương trình/dự án.
Đối với việc mua sắm tài sản nhà nước khác: Thực hiện mua sắm theo tiêu chuẩn, định mức quy định, kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc thực hiện mua sắm tài sản theo đúng tiêu chuẩn, định mức và chế độ hiện hành; không bổ sung nguồn kinh phí ngoài dự toán, kể cả nguồn tăng thu ngân sách nhà nước.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định việc mua sắm theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Nguồn chinhphu.vn