Buổi đầu lập nghiệp, anh Tuấn gặp không ít khó khăn vì diện tích đất sản xuất nằm trên vùng khô hạn, nhưng với quyết tâm vươn lên làm giàu, anh không ngừng nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ người đi trước để áp dụng trên mảnh đất của mình. Cách đây 3 năm, anh đào giếng phục vụ tưới cây trồng nhưng vì hạn hán kéo dài vẫn thiếu nước trầm trọng.
Anh Đào Văn Tuấn đang làm nước chảy từ đập tràn đến khu đất sản xuất.
Để khắc phục, anh đầu tư 70 triệu đồng xây 1 đập tràn ngang suối Hòn Dồ giữ nước, bắc 300m đường ống dẫn nước vào rẫy tưới cây trồng. Nhận thấy bơm nước bằng máy dầu chi phí nguyên liệu tăng cao, nên anh đầu tư kéo đường dây điện từ nhà ra, mua mô-tơ bơm tưới cho 6ha mía và 4 sào cỏ. Đồng thời, anh còn chia sẻ nguồn nước tưới cho các hộ dân quanh vùng. Anh Tuấn cho biết: Những năm trước đây, gia đình chỉ trồng mía, nhưng do tình hình nắng hạn kéo dài dẫn đến thiếu nước tưới, mình chuyển 8ha đất sang làm chuồng và trồng cỏ chăn nuôi, còn lại 6ha vẫn trồng mía nhưng chủ động được nguồn nước nên mía cho năng suất cao, trừ hết chi phí cũng cho thu nhập 20 triệu đồng/ha.
Từ nguồn vốn tích lũy nhiều năm, anh mua thêm chiếc máy cày làm đất và vận chuyển nông sản gần 150 triệu đồng, phục vụ canh tác gia đình và làm dịch vụ cày đất cho bà con thôn xóm. Không chỉ trồng trọt, từ năm 2010, anh đã mua 30 con cừu sinh sản, đến nay, đàn cừu của gia đình đã lên 300 con và nuôi thêm 10 con bò cái sinh sản. Từ hiệu quả trồng trọt và chăn nuôi, sau khi trừ chi phí, hàng năm gia đình anh thu nhập từ 200-300 triệu đồng, góp phần giải quyết việc làm cho 3 lao động ở địa phương với thu nhập ổn định 3 triệu đồng/tháng.
Ông Phạm Văn Hội, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Sơn, cho biết: Gia đình anh Đào Văn Tuấn là gương điển hình tiêu biểu trong thôn về làm kinh tế giỏi, từ mô hình chăn nuôi, trồng trọt nhỏ, đến nay anh sở hữu cả trang trại cừu, đồng thời còn tạo công ăn việc làm cho một số người dân trong thôn.
Kim Thùy