Nâng cao hiệu quả công tác y tế dự phòng

(NTO) Xác định tầm quan trọng của công tác y tế dự phòng trong bảo vệ, chăm lo sức khỏe Nhân dân, những năm qua, ngành Y tế tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả phòng, chống dịch bệnh.

Để đạt được mục tiêu này, ngành Y tế tích cực xây dựng, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động mạng lưới y tế dự phòng từ tuyến tỉnh đến cơ sở. Hiện nay, 7/7 Trung tâm Y tế huyện, thành phố đã thành lập Đội Y tế dự phòng; 100% cán bộ y tế tại các Trạm Y tế xã, phường được đào tạo bài bản, có chuyên môn tốt trong công tác phòng chống dịch.

Cho trẻ uống vitamin A tại trạm y tế xã Phước Thuận.

Ngoài ra, ngành Y tế còn xây dựng mạng lưới cộng tác viên tại các thôn, khu phố hỗ trợ đắc lực trong công tác truyền thông, vận động, cập nhật kịp thời thông tin, kiến thức cho người dân về phòng, chống dịch. Riêng đối với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, luôn được sự quan tâm của tỉnh, Bộ Y tế cấp kinh phí đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, bổ sung nguồn nhân lực…, nâng cao chất lượng hoạt động. Đồng chí Lê Minh Định, Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Mặc dù là tỉnh còn khó khăn, tuy nhiên, với quan điểm “đầu tư cho y tế dự phòng là đầu tư cho phát triển bền vững” nên tỉnh rất quan tâm dành nguồn lực không nhỏ nâng cấp hệ thống y tế dự phòng. Thời gian qua, ngành đã được đầu tư, hỗ trợ nhiều trang thiết bị, kỹ thuật mới về huyết thanh, miễn dịch, nhờ đó đã có thể chẩn đoán và phát hiện sớm một số dịch bệnh như: Sốt xuất huyết, HIV, viêm gan B…, góp phần tích cực trong công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Năm 2015, tỉnh ta được công nhận đạt chuẩn quốc gia y tế dự phòng cấp tỉnh.

Ngành Y tế còn tích cực trong công tác chỉ đạo tuyến cơ sở tăng cường công tác truyền thông, vận động nâng cao kiến thức phòng dịch bệnh cho Nhân dân; tăng cường kiểm tra, giám sát, nắm vững tình hình dịch tễ trong cộng đồng; phát hiện, xử lý kịp thời ổ dịch, hạn chế tối đa dịch bệnh bùng phát lây lan trên diện rộng. Các chương trình mục tiêu quốc gia, tiêm chủng mở rộng được triển khai thực hiện tốt, mang lại hiệu quả rõ nét trong công tác phòng, chống dịch bệnh trong thời gian qua.

Với các giải pháp tích cực, trong năm 2015, số bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm như tay chân miệng, sốt rét, sởi, thủy đậu... đều giảm, không có dịch bệnh xảy ra. Riêng đối với bệnh sốt xuất huyết, do năm 2015 là năm bùng phát dịch theo chu kỳ, toàn tỉnh phát hiện 370 trường hợp mắc, tăng 203,3% so với năm 2014. Tuy nhiên so với tỷ lệ số ca mắc trung bình 5 năm trong khu vực thì tỉnh ta cũng đạt tỷ lệ thấp với tỷ lệ 40 ca/100.000 dân (so với khu vực 120 ca/100.000 dân). Tỉnh ta còn được Bộ Y tế công nhận đạt tiêu chí loại trừ bệnh phong quy mô cấp tỉnh. Công tác tiêm chủng mở rộng đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch. Có 11.588 trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ về 8 bệnh truyền nhiễm, đạt 98,1% (chỉ tiêu 95%); tiêm UV¬2¬ cho 9.619 phụ nữ có thai, đạt 94,5% (chỉ tiêu 85%); tiêm UV2 cho 11.265 phụ nữ từ 15-35 tuổi, đạt 97,1% (chỉ tiêu ≥95%).

Trao đổi về công tác y tế dự phòng trong thời gian tới, Bác sĩ Nguyễn Nhị Linh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, cho biết: Bên cạnh những thuận lợi, kết quả đạt được, công tác y tế dự phòng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Một trong những khó khăn lớn nhất đó chính là kinh phí của các chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay đã bị cắt giảm; mạng lưới cộng tác viên do không có kinh phí hỗ trợ nên cũng chỉ hoạt động cầm chừng. Trong khi đó, hiện nay, tỉnh ta lại phải đối mặt với hạn hán kéo dài, tình trạng thiếu nước sinh hoạt diễn ra tại nhiều địa phương; nhận thức vệ sinh môi trường, phòng dịch của một bộ phận người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn hạn chế. Bên cạnh đó, nguy cơ một số dịch bệnh mới, nguy hiểm như ebola, zika... từ các nước khác xâm nhập vào là rất cao.

Để khắc phục khó khăn, nâng cao hiệu quả hoạt động công tác y tế dự phòng, ngoài công tác truyền thông, vận động nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân, cộng đồng trong công tác phòng dịch bệnh, ngành Y tế tăng cường giám sát dịch tễ; đồng thời, huy động, tranh thủ mọi nguồn lực để xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động mạng lưới y tế dự phòng từ tỉnh đến cơ sở, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân.