Tờ trình của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nêu rõ, hiện nay tổng số kiểm sát viên cao cấp ngành kiểm sát nhân dân là 182 người (157 người của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao; 25 người của Viện Kiểm sát quân sự Trung ương).
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: TTXVN)
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong khi chờ cấp có thẩm quyền phê duyệt tổng thể nhu cầu biên chế, cơ cấu ngạch công chức của Viện Kiểm sát nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị bổ sung 272 kiểm sát viên cao cấp để tăng thêm cho Viện Kiểm sát nhân dân tối cao 31 người; Viện kiểm sát quân sự 15 người, Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao 161 người và Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh 65 người. Tổng số kiểm sát viên cao cấp ngành Kiểm sát nhân dân cần có là 454 người.
Thẩm tra Tờ trình của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về việc đề nghị giao chỉ tiêu Kiểm sát viên cao cấp, đa số ý kiến của Ủy ban Tư pháp cho rằng: kiểm sát viên cao cấp là ngạch kiểm sát viên mới và căn cứ những thẩm quyền mới theo quy định của Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân năm 2014, Luật xử lý vi phạm hành chính và các luật khác vừa được Quốc hội thông qua thì trước mắt bổ sung chỉ tiêu Kiểm sát viên cao cấp cho Viện Kiểm sát nhân dân là cần thiết, còn việc quyết định tổng thể về biên chế, cơ cấu các ngạch kiểm sát viên sẽ được xem xét khi các Đề án về vị trí việc làm, biên chế của Viện kiểm sát nhân dân được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trong trường hợp bổ sung một số chỉ tiêu kiểm sát viên cao cấp cho Viện Kiểm sát nhân dân thì phải bảo đảm một số nguyên tắc như không tăng biên chế, chế độ tiền lương của chức danh kiểm sát viên cao cấp được bổ nhiệm không ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước và chỉ bổ sung số lượng tối thiểu hợp lý trong tổng thể cơ cấu các ngạch Kiểm sát viên, phù hợp với yêu cầu công việc phải có chức danh Kiểm sát viên cao cấp, phù hợp về chế độ, chính sách chung trong toàn bộ hệ thống chính trị.
Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết nhất trí bổ sung 159 kiểm sát viên cao cấp cho ngành Kiểm sát nhân dân, theo đề nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và kết quả thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.
Theo đó, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao được đồng ý bổ sung 16 chỉ tiêu kiểm sát viên cao cấp; Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao được bổ sung 63 chỉ tiêu; 61 tỉnh, thành phố được đồng ý 1 chỉ tiêu/1 tỉnh, thành phố, riêng Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh được đồng ý 2 chỉ tiêu; Viện Kiểm sát quân sự được bổ sung 15 chỉ tiêu. Như vậy, ngành Kiểm sát nhân dân được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý bổ sung 159 kiểm sát viên cao cấp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, đây là chỉ tiêu tạm giao ở mức tối thiểu để ngành Kiểm sát nhân dân triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Theo Chủ tịch Quốc hội, việc bổ sung chỉ tiêu kiểm sát viên cao cấp như vậy là quá chậm, bởi bộ máy tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã được thành lập theo Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân năm 2014, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai công tác của ngành Kiểm sát nhân dân.
Nguồn Báo Tin tức - TTXVN