Phiên họp thứ 45 của UBTVQH. (Ảnh: TTXVN)
Theo tờ trình do Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng trình bày, Quy chế hoạt động đối ngoại của các cơ quan của Quốc hội (Quy chế 2008) được UBTVQH khóa XII ban hành ngày 6/5/2008 kèm theo Nghị quyết số 618/2008/NQ-UBTVQH12 trên cơ sở sửa đổi Quy chế hoạt động đối ngoại của các cơ quan của Quốc hội ban hành năm 2004.
Kể từ khi ban hành đến nay, Quy chế 2008 đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả, chất lượng, tạo nề nếp căn bản trong quy trình tổ chức hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của các cơ quan của Quốc hội. Tuy nhiên, đến nay Quy chế đã bộc lộ một số bất cập do nội dung không còn phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành cũng như thực tiễn của hoạt động đối ngoại của Quốc hội và chưa theo kịp sự phát triển của công tác đối ngoại trong giai đoạn mới.
Bởi vậy, việc sửa đổi Quy chế hoạt động đối ngoại của các cơ quan của Quốc hội là yêu cầu khách quan và hết sức cần thiết.
Về phạm vi và đối tượng áp dụng của Quy chế 2008, nhiều ý kiến cho rằng, Kiểm toán nhà nước và các nhóm nghị sĩ hữu nghị cũng thuộc đối tượng điều chỉnh của dự thảo Quy chế sửa đổi vì theo Luật Tổ chức Quốc hội 2014 thì UBTVQH có nhiệm vụ chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của hai đối tượng này.
Về vấn đề này, Ủy ban Đối ngoại cho rằng, Kiểm toán nhà nước, với tư cách là một cơ quan độc lập, có quy chế hoạt động đối ngoại riêng. Vì vậy, không nên đưa Kiểm toán nhà nước vào trong phạm vi và đối tượng áp dụng của Quy chế này. Đối với các nhóm nghị sĩ hữu nghị, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và thực tiễn hoạt động đối ngoại thời gian qua, việc triển khai các hoạt động của các nhóm nghị sĩ hữu nghị thuộc Tổ chức nghị sĩ hữu nghị Việt Nam do Ủy ban Đối ngoại thực hiện. Do đó, dự thảo Quy chế sửa đổi giao Ủy ban Đối ngoại tổ chức triển khai hoạt động đối ngoại của nhóm nghị sĩ hữu nghị.
Đồng tình với quan điểm trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Lê Minh Thông cho rằng, Kiểm toán nhà nước mặc dù được Quốc hội thành lập, nhưng có một thiết chế độc lập nên không nhất thiết phải quy định hoạt động của Kiểm toán nhà nước trong hoạt động đối ngoại của Quốc hội. Nên trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về hoạt động đối ngoại cho Kiểm toán nhà nước.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng cho biết, một số tỉnh biên giới, các đoàn đại biểu Quốc hội có hoạt động đối ngoại với Lào, Campuchia. Tuy nhiên, chưa có quy định nào cho hoạt động đối ngoại của các tỉnh này. Bởi vậy, cần phải tạo điều kiện, có kinh phí cho đoàn đại biểu Quốc hội ở các tỉnh biên giới có hành lang pháp lý, thực hiện hoạt động đối ngoại với các nghị sĩ của các nước láng giềng xung quanh.
Băn khoăn về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, có nên đưa Kiểm toán nhà nước, nhóm nghị sĩ hữu nghị, đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội… vào Quy chế này không? Phó Chủ tịch Quốc hội lý giải, đây là quy chế hoạt động đối ngoại của Quốc hội. Nếu nói đến Quốc hội thì có rất nhiều nội dung cụ thể, riêng Kiểm toán có một thiết chế độc lập, không cần phải đưa vào Quy chế 2008 để nâng cao quyền tự chủ và trách nhiệm của họ. Thực tế, Luật Kiểm toán quy định về kế hoạch hoạt động của đơn vị này do UBTVQH quyết định, phê duyệt kế hoạch hoạt động hằng năm và các nhiệm kỳ, trong đó bao gồm cả hoạt động đối ngoại. Bởi vậy, chỉ nên quy định những vấn đề đối ngoại lớn, còn những vấn đề cụ thể, nhỏ của Kiểm toán nhà nước không nên đưa vào Quy chế này.
Về một số quy định khác về hoạt động đối ngoại, nhiều ý kiến cho rằng, đối với Ban quản lý dự án hợp tác quốc tế, Văn phòng Quốc hội kiến nghị Chủ tịch Quốc hội và UBTVQH phân công Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách đối ngoại đồng thời là Trưởng ban điều phối các dự án hợp tác quốc tế của UBTVQH.
Ủy ban Đối ngoại cho rằng, kiến nghị này là phù hợp với nội hàm “hoạt động đối ngoại” như đã nêu ở trên; tăng cường sự quản lý thống nhất trong các hoạt động đối ngoại của Quốc hội.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam