(NTO) Trong những ngày Tết Nguyên đán Bính Thân vừa qua, theo đánh giá chung trong toàn quốc tai nạn giao thông (TNGT) đã giảm trên cả 3 tiêu chí so với Tết năm trước nhưng tình trạng vi phạm quy định về an toàn giao thông (ATGT) còn diễn ra nhiều, số người chết còn cao, đặc biệt là các vụ TNGT nghiêm trọng làm chết và bị thương nhiều người... Đối với tỉnh ta, theo thống kê từ 28 đến mùng 3 Tết đã xảy ra 2 vụ TNGT làm chết 2 người (tương đương năm Ất Mùi 2015) nhưng số vụ va chạm lại tăng cả số vụ và người bị thương. Có thể nói, kết quả nêu trên là nỗ lực rất lớn từ công tác chỉ đạo đến triển khai thực hiện của các ngành chức năng và địa phương đã ngày càng đi vào thực chất với những giải pháp phát huy được hiệu quả, nhất là việc tổ chức ký cam kết không vi phạm các quy định về ATGT đã tạo nên trách nhiệm không chỉ của chính quyền địa phương mà đến từng hộ gia đình, qua đó giáo dục, nhắc nhở các thành viên trong gia đình “chung tay” thực hiện. Tuy nhiên, điều đáng nói là nhận thức của một bộ phận người dân về bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông chưa được “thông suốt”, nhất là trong thanh, thiếu niên. Cứ phóng xe ra đường là nẹt bô, lạng lách, đánh võng...mà không nghĩ rằng hành vi này hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến người đi đường, thậm chí gây ra những vụ TNGT đáng tiếc dẫn đến hậu quả chết người, trong đó có chính bản thân.
Lực lượng CSGT hướng dẫn các phương tiện tham gia giao thông trên đường 16 Tháng 4
trong đêm Giao thừa Tết Bính Thân 2016. Ảnh: Sơn Ngọc
Bên cạnh đó, xét về mặt khách quan trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tuyến đường còn thiếu hệ thống biển báo, cảnh báo nguy hiểm. Hệ thống cọc tiêu, rào chắn để hướng dẫn người tham gia giao thông đi đúng làn đường, phần đường... chưa được lắp đặt đầy đủ; tình trạng vi phạm hành lang giao thông còn diễn ra phổ biến... Đối với một số người thi hành công vụ chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm, thậm chí có hành vi nhũng nhiễu, thông đồng... với lái xe, dẫn đến việc chấp hành các quy định về ATGT chưa nghiêm, chưa thuyết phục trong xử lý...
Mục tiêu xuyên suốt đối với bảo đảm ATGT đó là cần xem “Tính mạng con người là trên hết”, do vậy yêu cầu đặt ra không chỉ cho các ngành, địa phương mà còn cả người dân-đối tượng thực hiện đồng thời cũng là đối tượng “thụ hưởng” sự an toàn khi tham gia giao thông. Theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngoài việc phát động phong trào thi đua để đảm bảo trật tự ATGT tại các ngành, địa phương và mọi người dân hưởng ứng thực hiện rất cần các biện pháp như gắn việc tuyên truyền nâng cao nhận thức về nghiêm túc chấp hành pháp luật về ATGT, xây dựng nếp sống văn hóa giao thông, phòng tránh TNGT... đến mọi người dân nói chung, người tham gia giao thông, nhất là chủ xe, lái xe kinh doanh vận tải, người điều khiển phương tiện cá nhân bằng xe mô tô, gắn máy, xe đạp điện... Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm khắc hành vi vi phạm ATGT; thanh tra công vụ đối với người được giao nhiệm vụ để bảo đảm việc thực hiện nghiêm túc, chống tiêu cực. Cùng với đó là kiên quyết xử lý những đối tượng làm trái quy định gây thiếu niềm tin đối với xã hội. Yếu tố cũng không kém phần quan trọng là nhanh chóng chỉnh trang kết cấu hạ tầng giao thông, bổ sung đầy đủ các biển báo, nhất là tại các đoạn đường, “điểm đen” về TNGT...
Suy cho cùng, để ATGT lan tỏa đến mọi nhà, mọi người thì rất cần đến quyết tâm và trách nhiệm thực sự của các ngành, địa phương, nhất là người dân trong việc tham gia thực hiện các biện pháp bảo đảm ATGT. Như Bác Hồ đã từng dạy: “Chủ trương một, biện pháp mười, quyết tâm hai mươi”. Nếu thiếu quyết tâm thì khó thành hiện thực vậy!.
T.D