Ông Bo Bo Bằng, thôn Ma Ty, xã Phước Tân kể cho chúng tôi nghe về truyền thống lâu đời, đã ăn sâu trong đời sống tâm linh của bà con. Giống lúa Pa Dhai Vanh cao chừng 1-1,2m, hạt rất to, dài, được ví như hạt “lúa mẹ”, sau mỗi mùa thu hoạch bà con dùng để dâng cúng “Giàng” (trời) trong các nghi lễ truyền thống của đồng bào Raglai. Theo ông Bằng, người Raglai quan niệm và tin rằng từng hạt lúa và từng thân cây lúa Pa Dhai Vanh chính là nơi nương náu của linh hồn tổ tiên, cha ông mà con cháu không bao giờ được quên lãng. Cứ đến khoảng tháng 4, nhà nào không tỉa được lúa Pa Dhai Vanh, dù chỉ một khoảnh nhỏ thì sẽ bị tổ tiên “trách phạt”. Năm nay thời tiết khắc nghiệt, nhà ông chỉ trồng được 1 sào, cũng gọi là vừa đủ dâng lên tổ tiên trong lễ cúng “lúa mới” đầu năm mới. Còn ông Katơr Se ở thôn Chà Banh, xã Phước Hòa: “Làm gì thì làm, mỗi năm phải chọn một ít đất rẫy tốt để trồng lúa Pa Dhai Vanh. Thiếu nó sẽ không có lễ vật tạ ơn “Giàng”, tạ ơn “lúa mẹ” thì vụ mùa tiếp theo sẽ bị chim chóc, sâu bệnh, thú rừng phá hoại… ảnh hưởng đến đời sống của bà con”.
Vợ chồng ông Bo Bo Bằng (thôn Ma Ty, xã Phước Tân, Bác Ái) nhẹ nhàng tuốt từng bông lúa rẫy.
Một điều thú vị là khi thu hoạch lúa Pa Dhai Vanh, đồng bào chỉ dùng tay tuốt từng bông lúa bỏ vào “tó” chứ tuyệt nhiên không dùng dao hay liềm để cắt lúa. Theo những già làng, lúa Pa Dhai Vanh phải dùng tay tuốt vì nếu dùng dao hay liềm cắt sẽ làm đau thân lúa, đau hạt lúa, linh hồn của cha ông cũng sẽ bị đau nên mùa sau sẽ không còn cho hạt nữa. Việc dùng tay tuốt lúa sẽ làm rơi vãi hạt lúa, nhưng những hạt lúa bà con cho rằng để trả ơn cho đất vì đã có công nuôi dưỡng cây lúa. Lúa Pa Dhai Vanh sau khi gieo xuống không cần chăm bón, bà con để mặc cho đất, cho trời vì họ tin rằng đã có tổ tiên coi sóc.
Sau khi đã tuốt hết lúa, mỗi nhà sẽ chọn ra những bông lúa chín nhất, đẹp nhất được tuốt về, phơi khô rồi bỏ vào cối giã thành gạo, nấu có mùi thơm đặc thù và ăn rất ngon và làm rượu cần thơm nồng. Cùng với gà, trầu cau, các sản vật từ lúa Pa Dhai Vanh như cơm, rượu cần được dâng lên “Giàng”, tổ tiên thành quả một năm lao động vất vả và cầu xin “Giàng”, tổ tiên phù hộ cho mùa màng năm mới khấm khá hơn, gia đình mạnh khoẻ. Sau lễ cúng, là dịp để bà con, gia đình gặp gỡ, chung vui uống rượu cần, đánh mã la, thể hiện tình đoàn kết cộng đồng, giúp nhau trong lao động sản xuất. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian tỉnh, những nét đẹp truyền thống dân gian của đồng bào Raglai tồn tại đến bây giờ, đều nằm trong văn hóa sinh hoạt sản xuất lúa rẫy. Có thể nói, nếu lúa Pa Dhai Vanh mất đi thì nét văn hóa dân gian của đồng bào Raglai cũng sẽ dần mai một.
Những năm gần đây, đồng bào Raglai đã chuyển sang trồng lúa nước, bắp lai năng suất cao, tuy nhiên họ vẫn không quên dành một phần đất sản xuất để trồng lúa Pa Dhai Vanh, để dùng trong những ngày cúng tế và lưu giữ giống lúa gắn với đời sống tâm linh cho con cháu sau này.
Phan Hiếu