Qua gần một tháng tham gia với Đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, hải trình của 4 con tàu: HQ 996, HQ 561, HQ 571, HQ 936 đã đưa chúng tôi đến với các đảo: Song Tử Tây, Đá Nam, Đá Thị, Sơn Ca, Nam Yết, Phan Vinh, Tốc Tan, Núi Le, Tiên Lữ, An Bang, Thuyền Chài, Đá Lớn, Cô Lin, Len Đao, Sinh Tồn Đông, Sinh Tồn, Đá Lát theo 3 hướng khác nhau - cánh Bắc, cánh Nam và cánh giữa.
Lính đảo Sơn Ca vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió, bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương.
Nhớ lại, chiều ngày 5-1, trước giờ khởi hành của ngày đầu năm mới, cầu Cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) như đông vui, náo nức hơn bởi những nụ cười của các anh lính trẻ chuẩn bị ra đảo để “thay quân”, tiếng huyên náo reo hò vận chuyển hàng hóa lên boong tàu, tiếng loa phát lệnh, điểm danh. Không gian lúc như vỡ òa, ồn ã, lúc như lắng lại ở phía cầu tàu nơi có tiếng trẻ bi bô chào tạm biệt cha, người mẹ chào tạm biệt con…
5 giờ chiều, các tàu Hải quân bắt đầu rời Quân cảng, đó là thời khắc xuân mới Bính Thân năm 2016 đang về. Những con tàu HQ sẽ đem tâm tư, tình cảm gửi gắm từ đất liền đến những chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ vùng biển, trời của Tổ quốc.
Mùa biển động, những con sóng lớn dồn dập xô vào mạn tàu, “đánh bại” không ít thành viên trong đoàn, khiến ai cũng mệt nhừ. Trên cùng chuyến tàu HQ 996, chúng tôi gặp rất nhiều lính trẻ lần đầu tiên ra Trường Sa. Tất cả họ đều ánh lên niềm tự hào khi được góp sức trẻ cho quê hương, đất nước. Trong cuộc trò chuyện với Trung sĩ Trịnh Thiên Nghĩa sẽ đến đảo Nam Yết làm nhiệm vụ, chúng tôi được biết đây là lần đầu tiên anh ra đảo. Trong lời nói của người lính trẻ này vừa thể hiện tình cảm lưu luyến với các đồng đội ở đất liền, nhưng cũng vừa thể hiện lời thề sắt son với biển đảo, quyết vững tay súng nơi đầu sóng ngọn gió.
Theo như lịch trình các phóng viên báo, đài Trung ương và các địa phương đi cụm đảo phía Bắc sẽ đi 5 đảo của huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa), trong đó có 3 đảo nổi và 2 đảo chìm. Đến những đảo nổi, chào đón chúng tôi bằng những nụ cười tươi thắm, vòng tay ôm thật chặt của cán bộ, chiến sỹ và người dân như đang chờ đón người thân lâu ngày gặp lại. Được tham dự lễ chào cờ và duyệt đội ngũ ở Trường Sa là một kỷ niệm khó quên: Lễ chào cờ có tất cả đại diện quân, dân, nhà sư tu hành trên đảo. Thật uy nghi khi được thấy các chiến sĩ Trường Sa cất vang bài Quốc ca. Tại cột mốc chủ quyền biển, dưới Quốc kỳ vinh quang, được nghe 10 lời thề sắt son của quân đội nhân dân Việt Nam từ những chiến sỹ ngày đêm canh giữ đảo, như tạc vào đất trời, sóng nước Trường Sa.
Đảo đá Nam.
Ấn tượng nhất, tại đảo Song Tử Tây hình ảnh Chị Phạm Thị Bích Luyện bế đứa con vừa tròn 16 tháng tuổi đứng nghiêm trang trong buổi lễ chào cờ. Đoàn Phúc Vi Sa là cháu gái thứ 2 của chị được sinh ra trên đảo. Khi được chúng tôi phỏng vấn tại buổi lễ, chị Luyện bộc bạch: Tôi đưa cháu ra đây nghe để Quốc ca thấm nhuần trong “máu” của cháu. Sau này lớn lên, cháu hiểu được ý nghĩa của bài Quốc ca, biết được nơi sinh ra và trưởng thành của mình…
Ở đảo chìm, điều kiện sinh hoạt, thời tiết rất khắc nghiệt và khó khăn nên mọi thứ được các chiến sỹ tiết kiệm. Vượt qua khó khăn đó, đủ hiểu được nghị lực vươn lên của người lính nơi đảo xa để ngày đêm canh giữ, bảo vệ sự bình yên cho hải đảo và đất liền.
Hầu hết trong các buổi trao quà tết, đâu đâu chúng tôi cũng thấy được hình ảnh vui mừng của các chiến sĩ và cũng thay dần vào đó là một chút da diết nhớ người thân khi mùa sum họp lại về. Tuy nhiên, những cảm xúc đó nhanh chóng được giấu chặt trong lòng, bởi các anh hiểu rằng nhiệm vụ và trọng trách của mình đối với Tổ quốc. Càng cảm nhận được nhiều hơn những tình cảm sâu đậm của đất liền, của người thân… luôn dõi theo, sát cánh bên mình. Tình cảm đó sẽ làm ấm lòng cán bộ, chiến sĩ, giúp họ vững niềm tin, chắc tay súng bảo vệ bình yên vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Thật sự có đi mới biết, có nghe mới cảm nhận, khi trở về đất liền, những cái vẫy tay chào tạm biệt làm tôi nhớ: “Không xa đâu Trường Sa ơi, không xa đâu Trường Sa ơi… mãi nhớ Nam Yết… mãi nhớ Trường Sa!”.
P.H