Không ai nhớ chính xác, nhưng theo những người cao niên trong làng kể lại, khi còn nhỏ đã thấy ông bà, cha mẹ làm bánh. Lớn lên một chút thì đã biết phụ phơi bánh. Gia đình bà Phạm Thị Hồn, hộ làm nghề tráng bánh tráng truyền thống đã có thâm niên hơn 40 năm, cho biết: Nghề này phải dựa theo thời tiết, nếu trời nắng ráo thuận lợi thì bỏ công làm cũng có của ăn, của để. Mấy đời ông bà, cha mẹ tôi đều sống bằng nghề này.
Khâu tráng bánh bằng tay truyền thống.
Nghề làm bánh tráng ở đây vẫn giữ phương pháp truyền thống. Nguyên liệu làm bánh tráng chỉ chọn từ gạo hạt tròn nên bột khi xay thường có màu trắng tinh, sáng mịn và quyện mùi thơm. Từ bàn tay khéo léo của các mẹ, các chị từ khâu tráng bánh đến khi phơi đã làm nên cái bánh mịn màng, tròn trịa, xinh xắn.
Cứ vào đầu tháng 11 Âm lịch hàng năm là thời điểm bánh tráng được đặt hàng và tiêu thụ nhiều. Từ 3 giờ sáng, bếp lửa tại các nhà làm nghề tráng bánh đã ửng hồng, điện được thắp sáng trưng để bắt đầu công việc một ngày mới. Mỗi người một việc, đốt lò, pha bột, tráng bánh, phơi bánh, tạo không khí nhộn nhịp chuẩn bị đón xuân. Dịp Tết này, cả thôn Lương Cang có hơn 10 lò bánh tráng cùng hoạt động. Bà Phạm Thị Hà gắn bó với nghề tráng bánh hơn 30 năm, cho biết: Năm nào cũng vậy, công việc tráng bánh mỗi độ xuân về, Tết đến tuy vất vả mà vui, sản phẩm làm ra gấp đôi so với ngày thường, nên gia đình phải tăng nguyên liệu từ 20kg lên 40-45 kg gạo/ngày, làm ra đến đâu là tiêu thụ ngay đến đó. Trong sân nhà, dọc theo mái hiên, nơi nào có chút nắng gió, không bụi thì chúng tôi đều tận dụng để phơi bánh. Giá mỗi xấp (14 cái) bánh tráng mỏng 10 ngàn đồng, còn bánh dày là 20 ngàn đồng. Trừ chi phí, mỗi ngày gia đình thu lãi từ 300-400 ngàn đồng.
Một mùa xuân nữa lại về, mang nhiều niềm vui cho các hộ làm nghề tráng bánh. Thành quả lao động của họ góp chút hương xuân, mang theo hương vị hạt gạo quê hương về với mọi nhà để làm nên những món ngon cho mâm cỗ ngày Tết cổ truyền của dân tộc thêm phần ấm cúng.
Kim Thùy