Làng Chăm đón Xuân mới

(NTO) Về với các làng Chăm trong những ngày cuối năm, chúng tôi cảm nhận được một mùa xuân ấm no, hạnh phúc đang về… Từ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong nhiều năm qua đã tạo ra sức sống mới, đưa đời sống của đồng bào Chăm từng bước được đổi thay.

Toàn tỉnh có trên 67.000 người Chăm sinh sống. Hôm nay đi từ Ninh Phước đến Thuận Nam, ngược về Thuận Bắc… ở đâu chúng tôi cũng bắt gặp các làng Chăm với những ngôi nhà khang trang, hòa với đời sống ngày càng khởi sắc rõ nét. Càng phấn khởi hơn khi diện mạo nông thôn đã được “thay da, đổi thịt”, hàng loạt các công trình phúc lợi như điện, đường, trường, trạm, hệ thống thủy lợi… được đầu tư xây dựng.

Bộ mặt nông thôn ở các làng chăm ngày càng khởi sắc.

Trở lại làng Chăm thôn Hữu Đức (xã Phước Hữu, Ninh Phước) được biết đến là địa phương đi đầu về sự phát triển kinh tế. Nếu như trước đây, bà con trong thôn chỉ sản xuất nông nghiệp manh mún nhỏ lẻ, thì giờ đây nông dân địa phương đã chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác, từ khâu làm đất đến thu hoạch điều được cơ giới hóa, mạnh dạn áp dụng các mô hình sản xuất mới, cho hiệu quả kinh tế cao, nên cuộc sống của đồng bào Chăm nơi đây ngày càng khấm khá hơn. Kết quả nổi bật nhất trong tổ chức sản xuất đó là việc bà con nơi đây liên kết với Công ty TNHH Hung Anh Food thực hiện mô hình “vùng nguyên liệu sản xuất lúa sạch” đem lại năng suất cao, thu nhập ổn định. Ngoài trồng trọt, cùng với những kinh nghiệm chăn nuôi gia súc, bà con còn tập trung đầu tư, đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất hàng hóa, nhiều hộ đã trở thành những triệu phú tên tuổi như: Hán Tấn Phát, Hán Văn Thoại, Châu Tho…

Chia tay Hữu Đức, chúng tôi tìm về hai làng nghề nổi tiếng ở thị trấn Phước Dân. Vào những ngày giáp Tết, không khí lao động khẩn trương hơn bao giờ hết. Tại làng Mỹ Nghiệp, những nghệ nhân đang miệt mài bên khung dệt. Qua bàn tay khéo léo, từng sợi chỉvới những họa tiết được đan xen rực rỡ, tạo nên những sản phẩm thổ cẩm mang giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của người Chăm. Đến nay, có hơn 90% số gia đình sống bằng nghề dệt thổ cẩm, có trên 15 hộ xây dựng các cơ sở sản xuất dệt quy mô và có gần 300 lao động tham gia. Sản phẩm dệt thổ cẩm của Mỹ Nghiệp được bày bán trong các siêu thị ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… Từ nghề dệt truyền thống đã giúp 75% gia đình thoát nghèo, nhiều hộ vươn lên khá giả.

Tại làng gốm Bàu Trúc cũng không kém phần nhộn nhịp. Công suất hoạt động của các lò nung gốm những ngày cận Tết càng thêm phần hối hả để kịp cho ra sản phẩm. Ông Phú Minh Thuần, Chủ nhiệm HTX Gốm Chăm Bàu Trúc, chia sẻ: Năm nay, ngoài những sản phẩm truyền thống làm theo yêu cầu của khách hàng, chúng tôi còn bày bán tại khu trưng bày với nhiều chủng loại sản phẩm khác nhau như: Bình phong thủy, tượng vũ nữ Apsara, tượng tháp… Bà con trong hợp tác xã đang khẩn trương hoàn thành các sản phẩm gốm với mẫu mã đẹp nhất để phục vụ thị trường ngày Tết.

Ngược về xã Phước Nam (Thuận Nam), nơi có đồng bào Chăm chiếm trên 80% dân số. Niềm phấn khởi hiện rõ trên từng gương mặt của mọi người khi mới đây xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Nhờ thay đổi nhận thức, chí thú làm ăn và được sự quan tâm của Nhà nước, chính quyền địa phương, nên đời sống vật chất, tinh thần của người dân nơi đây có nhiều chuyển biến rõ rệt. Sự đổi thay được thể hiện rõ nét trên những con đường được bê-tông, nhiều ngôi nhà khang trang được mọc lên, hệ thống thủy lợi, trường, trạm từng bước được xây mới... tạo sức bật cho vùng quê này. Đồng chí Não Văn Thủ, Chủ tịch UBND xã Phước Nam, cho biết: Cuộc sống của đồng bào Chăm giờ đây đã được cải thiện đáng kể. Nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Bên cạnh việc trồng lúa, người dân còn phát triển nhiều mô hình mới mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Nuôi bò, dê, cừu vỗ béo, trồng rau màu, mua bán nhỏ…

Không riêng ở Ninh Phước, Thuận Nam, ở các huyện Thuận Bắc, Ninh Hải, Ninh Sơn cuộc sống của bà con cũng đã có những đổi thay đáng kể. Đời sống vật chất, tinh thần đồng bào Chăm ở các địa bàn dân cư ngày càng khởi sắc. Cùng với phát triển kinh tế, những năm qua Nhà nước đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng các công trình thủy lợi, hệ thống giao thông, y tế, giáo dục… đã tạo động lực mới cho tiến trình xây dựng nông thôn mới bền vững ở các vùng đồng bào dân tộc Chăm. Hiện nay, đã có 100% số hộ sử dụng lưới điện; hơn 95% số hộ có nước sinh hoạt… Các lễ hội văn hóa truyền thống của Người Chăm như Ka-tê, Ramưwan được bảo tồn và không ngừng phát triển.

Một mùa xuân mới lại đến. Tin rằng với đà phát triển đi lên, cuộc sống của cộng đồng người Chăm sẽ ngày càng no ấm, phồn vinh và hạnh phúc.