Đằng sau chuyện mai rừng về phố

(NTO) Từ nhiều năm nay, cứ gần đến Tết Nguyên đán, hàng trăm người trong và ngoài tỉnh đua nhau tìm về các khu rừng ở Tà Năng (Bác Ái), Vĩnh Hy (xã Vĩnh Hải, Ninh Hải), Cà Ná (Thuận Nam)… để “săn” mai rừng bán Tết. Tình trạng này dẫn đến nguy cơ cao đối với loài cây rừng này.

Đổ xô đi “săn” mai rừng

Dựng chiếc xe máy chở hơn 5 gốc mai rừng, anh Nguyễn Văn Ngọc, nhà ở khu phố 5, phường Đạo Long (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm), người đầm đìa mồ hôi, tỏ ra phấn khích với “chiến lợi phẩm” mình vừa chở về: Cứ gần Tết, chúng tôi lại cơm nước, mang dụng cụ vào rừng lùng mai rừng, chọn vài cành ưng ý chưng Tết, còn lại đem bán. Ai cũng thích hoa nở rộ đúng vào giao thừa, nên thường đi “săn” mai vào giữa tháng Chạp. Tuy nhiên đó là chuyện trước kia, còn hiện nay, mai rừng đã khan hiếm, có người đi cả tuần về tay không là chuyện thường. Sở dĩ mai rừng được ưa chuộng là nhờ đặc tính “tự sinh, tự dưỡng”. Mai rừng dễ chơi, lại trổ dày bông, lâu tàn và cho hoa có hương thơm ngào ngạt. Nhìn cành mai khẳng khiu trông có vẻ như củi khô, song chỉ cần đem về trảy lá, đốt cho gốc cháy xém, cứa cành, ngâm nước để ấm ngoài trời là chúng nứt mầm, bung nụ ngay. Còn chuyện mai nở đúng dịp hay không còn tùy thuộc vào thời tiết và nghệ thuật chăm của người chơi.

Ông Bùi Văn Nhân bên cành mai da beo được “săn” từ rừng Vĩnh Hảo (Bình Thuận).

Vừa trở về sau chuyến “săn” mai mất hơn tuần lễ trong khu rừng Vĩnh Hảo (Bình Thuận), ông Bùi Văn Nhân, nhà ở khu phố 5, phường Đạo Long (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm), với vẻ mặt trầm ngâm, chia sẻ: “Nghề này nhọc nhằn lắm. Để có được những cành mai rừng đem về là một quá trình vất vả. Bởi càng ngày rừng càng bị thu hẹp, các loại mai càng ít và hiếm, nên người “săn” mai phải đi vào rừng sâu hơn, xa hơn, trèo lên những ngọn núi cao hơn mới có thể tìm thấy mai rừng... Chúng tôi thường đi theo nhóm từ 3-4 người, hỗ trợ nhau khi gặp sự cố. Người dẫn đường phải là “thổ địa” hoặc là người có kinh nghiệm “săn” mai lâu năm, thông thạo địa hình, biết nơi mai “ẩn náu”. Tìm được địa điểm có mai đã khó, hành trình đưa mai khỏi rừng sâu cũng gian truân không kém. Chúng tôi phải thật khéo léo luồn rừng, giữ cho cành mai còn nguyên vẹn. Lỡ cành gãy, búp rụng, công sức coi như đổ sông đổ bể”. Theo ông Nhân, mai rừng có nhiều loại, thường mọc ở đồi đất trắng, ven suối, nơi có tiết trời nóng ẩm. Loại hiếm nhất là mai thân đỏ, lá bầu, hoa có 12 cánh, cánh hoa dày, khít và mai vương, thân cứng, chùm hoa khi nở có dạng khối cầu. Còn mai liễu có thân nhỏ, dẻo và mai da beo có thân cứng, hoa 6-7 cánh, cánh mỏng và thưa thì dễ tìm hơn…

Nguy cơ tận diệt

Trước đây, mai rừng mọc ở khắp nơi. Người dân chỉ việc vào rừng chọn vài cành chặt về chưng Tết, lấy lộc đầu năm. Dần dà thú chơi dân dã phát triển thành phong trào, "dòng chảy" mai rừng về phố ngày càng ồ ạt. Mai rừng trở thành món hàng đắt giá. Nhiều người vì hám lợi hoặc thiếu hiểu biết, đổ xô vào rừng săn tìm, chặt bán vô tội vạ. Cả nguồn tái sinh cuối cùng như gốc mai, mai con cũng bị đào tận gốc.... khiến chỉ trong thời gian ngắn, mai rừng đã dần vắng bóng, số lượng ngày càng hiếm hoi, nguy cơ nhiều loài mai rừng quý bị xóa sổ đang thấy rõ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Tấn Lành, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Bác Ái, cho biết: Việc người dân vào rừng khai thác cành mai hay bất kỳ hành vi nào tác động đến rừng khi chưa được sự cho phép của cơ quan chức năng là vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Việc mai rừng bị khai thác tràn lan sẽ dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng nhiều loài mai quý hiếm… Hằng năm chúng tôi đều chỉ đạo các chủ rừng trên địa bàn tăng cường tuần tra, bảo vệ để ngăn chặn tình trạng này.

Không thể phủ nhận mai rừng là nguồn thu nhập của một bộ phận người dân, giúp họ cải thiện cuộc sống trong dịp Tết. Song bên cạnh việc khai thác nguồn lợi từ rừng, thì người dân cũng cần có ý thức bảo vệ. Bởi để có nhiều mai rừng đáp ứng nhu cầu Tết ngày càng tăng, người dân cứ khai thác theo kiểu ồ ạt như hiện nay, thì chắc chắn trong tương lai nguồn mai rừng sẽ cạn kiệt, dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng đối với loài hoa này.