Giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới

(NTO) Trao đổi với báo chí bên lề Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát và Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông đã cho biết một số định hướng và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới đã được nêu trong dự thảo Văn kiện Đại hội XII của Đảng.

Đối với lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, các Đại hội trước đây cho đến Đại hội XI của Đảng đều xác định, trong quá trình xây dựng chiến lược phát triển kinh tế- xã hội đất nước đến năm 2020, thì phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội là một chiến lược đột phá, đặc biệt là phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Từ định hướng lớn của Đảng, Nhà nước, Bộ giao thông vận tải đã chỉ đạo xây dựng, điều chỉnh chiến lược các quy hoạch chuyên ngành về phát triển giao thông vận tải; trong đó, có kết cấu hạ tầng giao thông và đạt được nhiều kết quả mang tính đột phá. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn gặp phải rất nhiều thách thức, dẫn đến kết cấu hạ tầng ở một số nơi hiện vẫn đang tắc nghẽn. Trong đó, thách thức lớn nhất là vấn đề huy động nguồn lực, chi phí vận tải đang ở mức cao, tác động đến khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, nguồn lực con người còn hạn chế, khoa học công nghệ chưa được ứng dụng mạnh mẽ…

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát. Ảnh: TTXVN

Về chiến lược phát triển hạ tầng giao thông vận tải trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết: Quan điểm là tập trung vào những công trình lớn có sức lan tỏa ở các vùng, có tính liên thông, huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ mới, vật liệu mới…Từ nay đến năm 2020 sẽ tập trung xây dựng sân bay Long Thành đảm bảo nhu cầu tăng trưởng nhanh về hàng không, xây dựng các nhà ga, đường băng của các sân bay có tính chất kết nối quốc tế lớn như sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Phú Quốc, Đà Nẵng…

Trong lĩnh vực đường sắt phải hiện đại hóa đường sắt Bắc Nam, tập trung nghiên cứu để từ năm 2020 có thể xây dựng được các đường sắt hiện đại; các tuyến cao tốc đường bộ … Trả lời câu hỏi của các phóng viên về giải pháp huy động nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết: Nguồn lực của chúng ta hết sức hạn chế. Để giải quyết vấn đề này thì phải giải quyết hài hòa. Đảng, Nhà nước ta cũng xác định rất rõ là phát triển có tính đột phá nhưng vẫn phải đảm bảo an sinh xã hội, như vậy sẽ không ảnh hưởng đến phân bổ nguồn lực. Chúng ta có nguồn lực như thế, Nhà nước thì ưu tiên góp vào để xây dựng kết cấu hạ tầng lớn trọng điểm có sức lan tỏa, nhưng mà những vùng đó có thể có sức hấp dẫn đối với tư nhân thì phải kết hợp nguồn vốn đó để giảm phần của Nhà nước đi và Nhà nước vẫn có hướng bố trí vốn đầu tư phát triển ở các vùng sâu, vì ở đó không thể thu phí của người dân được.

Trả lời câu hỏi của các phóng viên về những hạn chế của nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được đề cập trong một số tham luận tại Đại hội như: Vai trò, vị thế kinh tế của nông nghiệp, nông thôn đang có biểu hiện giảm sút, đời sống người nông dân vẫn khó khăn, nhiều chính sách chưa thực sự đem lại lợi ích cho người nông dân, thậm chí không ít bộ, ngành, địa phương còn coi nông nghiệp, nông dân là sân sau của doanh nghiệp, công nghiệp... Đồng chí Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng: Các chính sách, giải pháp Bộ đang triển khai đều là để thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và hướng tới nâng cao đời sống của người nông dân. Song những nỗ lực đó vẫn chưa đáp ứng được mong đợi của Đảng cũng như của nông dân.

Bộ trưởng Cao Đức Phát đã nêu ra một số giải pháp để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn cũng như nâng cao khả năng cạnh tranh của nền nông nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập. Đồng thời cho biết, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và Chính phủ chỉ đạo ngành thực hiện nhiều chương trình, trong đó có tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Hai chương trình song hành với nhau, song đều nhằm mục tiêu cải thiện nhanh hơn đời sống của nông dân. Tái cơ cấu nông nghiệp là để nông nghiệp phát triển với tốc độ cao hơn, hiệu quả hơn, bền vững hơn, đem lại lợi ích lớn hơn cho nông dân, tăng thêm thu nhập cho nông dân.