1. Cuộc đối đầu căng thẳng giữa Iran và Saudi Arabia bước sang tuần thứ hai mà chưa có dấu hiệu lắng dịu và tác động tới quan hệ các nước trong khu vực, kéo theo những hệ lụy về chính trị lẫn kinh tế.
Cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Iran và Saudi Arabia đã đẩy căng thẳng ở vùng Vịnh lên mức cao nhất kể từ những năm 1980, thời điểm Iraq nhận được sự hỗ trợ của khối Arab vùng Vịnh tiến hành cuộc chiến tranh kéo dài tám năm với Iran. Sau khi cắt đứt quan hệ ngoại giao và đình chỉ quan hệ thương mại với Iran, Saudi Arabia – quốc gia của những nhà lãnh đạo Hồi giáo dòng Sunni – cảnh báo tiến hành những bước tiếp theo chống Teheran, với cáo buộc quốc gia Hồi giáo can thiệp công việc nội bộ các nước Arab. Thái độ cứng rắn của Saudi Arabia làm gia tăng viễn cảnh Riyadh có thể sẽ gây sức ép đối với các đồng minh trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) để có những phản ứng mạnh mẽ hơn đối với Iran. Các nước trong Liên đoàn Arab (AL) cũng lên tiếng phản đối hành động mà họ cho là khiêu khích của Iran.
Cuộc khủng hoảng quan hệ Iran và Saudi Arabia cũng tác động về kinh tế với các cường quốc trong khu vực vốn trông đợi được hưởng lợi từ việc dỡ bỏ lệnh cấm vận trừng phạt Iran sau khi Teheran ký thỏa thuận hạt nhân với nhóm P5+1. Mối quan hệ thương mại lâu nay cũng như sự hiện diện lớn mạnh của cộng đồng người Hồi giáo dòng Sunni đã ngăn cản các nước vùng Vịnh đóng cửa với Iran, thay vào đó là giữ vị trí trung lập. Bởi thế, hầu hết các nước vùng Vịnh thực chất không muốn leo thang căng thẳng, cố gắng xoa dịu Saudi Arabia và duy trì quan hệ tối thiểu với Iran. Giới phân tích lo ngại, sẽ là “lửa cháy đổ thêm dầu” nếu Saudi Arabia và Iran tiếp tục tìm cách lôi kéo đồng minh, gia tăng đối đầu ở khu vực.
2. Mặc dù giá dầu thế giới có sự phục hồi nhẹ và thoát đáy thấp kỷ lục vào tuần trước (ngày 7-1), nhưng với việc nguồn cung vẫn vượt quá cầu, căng thẳng bùng phát tại Trung Đông và sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc- quốc gia tiêu thụ dầu khí lớn nhất thế giới, giá dầu năm 2016 được dự báo còn biến động mạnh. Theo các nhà phân tích, có 3 kịch bản có thể xảy ra đối với giá dầu thế giới trong năm 2016.
Thứ nhất, giá dầu có thể dao động từ 25 - 35 USD/thùng. Đây là kịch bản xấu nhất nhưng không thể loại trừ, do sản lượng dầu khai thác tăng cao kỷ lục từ OPEC, dầu của Iran dự kiến sẽ tràn ngập thị trường với sản lượng 1,5 triệu thùng dầu thô/ngày sau khi các biện pháp cấm vận của Mỹ được nới lỏng. Nhu cầu tiêu thụ giảm từ Trung Quốc và đồng USD mạnh cũng gây áp lực khiến giá dầu giảm.
Thứ hai, giá dầu có thể dao động từ 40 - 50 USD/thùng. Với kịch bản này, sản lượng dầu khai thác của Mỹ sẽ giảm xuống 500.000 thùng/ngày trong năm 2016 và OPEC sẽ giữ nguyên sản lượng khai thác.
Và thứ ba là giá dầu thô có thể giao dịch ở mức từ 50 - 60 USD/thùng. Giá dầu tăng vì quy mô sản xuất dầu của Iran bị đình trệ. Sản lượng dầu của Mỹ giảm do nhiều công ty dầu lớn phá sản hoặc cắt giảm chi tiêu.
Tuy nhiên, các chuyên gia hy vọng giá dầu sẽ bắt đầu khởi sắc vào quý IV năm nay và thị trường dầu sẽ đi vào ổn định vào cuối năm.
PV