Thế giới trong tuần

1. Trong những ngày qua, dư luận quốc tế tiếp tục bày tỏ quan ngại sau khi Triều Tiên, hôm 6-1 tuyên bố đã thử thành công bom nhiệt hạch.

Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đã tổ chức một phiên họp khẩn theo yêu cầu của Mỹ và Nhật Bản, thảo luận các biện pháp đối phó với tình huống nghiêm trọng nảy sinh từ việc Triều Tiên tuyên bố tiến hành thử bom nhiệt hạch. Phía Mỹ nhận định kết quả những phân tích ban đầu về vụ thử hạt nhân của Triều Tiên không giống với một vụ thử nghiệm bom nhiệt hạch. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước Mỹ và Hàn Quốc đã nhất trí rằng hành động của Bình Nhưỡng, nếu được xác nhận là một sự khiêu khích vô trách nhiệm, không thể chấp nhận được và hành động này đáng phải lĩnh hậu quả.

 
Một cuộc biểu tình tại Tehran phản đối quyết định tử hình các giáo sỹ dòng Shi’ite của Saudi Arabia.

Trong khi đó, quan chức của Liên minh châu Âu tuyên bố: Nếu được xác nhận, vụ thử bom nhiệt hạch của Triều Tiên đã vi phạm nghiêm trọng các cam kết quốc tế của nước này về việc không chế tạo và thử vũ khí hạt nhân, đe dọa hòa bình và an ninh khu vực Đông Bắc Á. Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Amano khẳng định, nếu được xác nhận, vụ thử này là hành vi vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Ông cho biết sẵn sàng góp phần giải quyết hòa bình vấn đề hạt nhân của Triều Tiên thông qua việc nối lại các hoạt động kiểm tra, ngay khi đạt được một thỏa thuận chính trị với các nước liên quan.

Vụ thử hạt nhân của Triều Tiên không những gây quan ngại đặc biệt, không chỉ bởi nó được đánh dấu một bước tiến đáng kể trong tham vọng của Bình Nhưỡng, mà còn bởi mức độ nguy hiểm của bom nhiệt hạch-còn được gọi là hydro hay bom H, một loại vũ khí có sức mạnh hủy diệt, được cho là có sức công phá mạnh gấp hàng nghìn lần bom nguyên tử.

2. Iran đã bày tỏ các dấu hiệu sẵn sàng đàm phán với Saudi Arabia, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa hai quốc gia này trở nên nghiêm trọng sau khi Riyadh tuyên bố xử tử 47 người, trong đó có giáo sỹ Hồi giáo dòng Shi’ite Nimr al-Nimr.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani nhấn mạnh, Iran muốn có quan hệ tốt đẹp và hữu nghị với tất cả các nước trong khu vực. Hành động tấn công của những người biểu tình nhằm vào các cơ quan ngoại giao của Saudi Arabia ở Teheran và thành phố Mashhad là vi phạm pháp luật và ảnh hưởng đến uy tín của Iran. Ông cho biết, những đối tượng này sẽ bị pháp luật trừng trị, đồng thời nhấn mạnh Chính phủ Saudi Arabia nên “đóng góp xây dựng” vào cuộc chiến chung chống khủng bố, nhất là các phần tử khủng bố đang hoạt động ở Syria và Iraq.

Cùng thời điểm này, Bộ trưởng Quốc phòng Saudi Arabia Mohammed bin Salman khẳng định một cuộc chiến tranh giữa vương quốc vùng Vịnh này với Iran sẽ là “sự khởi đầu của một thảm họa” và Riyadh sẽ không cho phép điều này xảy ra.

Trong khi đó, Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) và Liên đoàn Arab (AL) quyết định triệu tập các cuộc họp bất thường vào những ngày tới để thảo luận những vấn đề liên quan đến các vụ tấn công bạo lực nhằm vào các cơ quan ngoại giao Saudi Arabia ở Iran, nguyên do chính khiến Riyadh và một số đồng minh trong khối Arab cắt đứt hoặc hạ cấp quan hệ ngoại giao với Iran. Phó Tổng thư ký AL nêu rõ, những người biểu tình Iran nhằm vào các phái bộ ngoại giao Saudi Arabia, coi đó là sự vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế cũng như Công ước Vienna về bảo vệ an toàn cho các nhà ngoại giao ở các nước sở tại.