(NTO) Chỉ còn không đầy một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Bính Thân 2016. Đây cũng là thời điểm “nở rộ” với bao sắc màu hàng hóa tiêu dùng để phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết đến, Xuân về - dù sao thì cũng “giàu ba ngày tết, hết ba ngày mùa” như tâm lý chung từ xưa đến nay. Chỉ tính riêng mặt hàng thực phẩm thôi cũng đã thấy quá phong phú với hàng trăm mặt hàng từ cao cấp đến bình dân, từ hàng hóa sản xuất trong nước đến mang nhãn mác nước ngoài, kể cả những thương hiệu tên tuổi mà không phải ai cũng có thể…mua được để làm quà biếu hoặc sử dụng. Tất nhiên, điều đáng lo ngại là đằng sau những nhãn mác rất kêu hoặc bình dân kia liệu có bảo đảm vệ sinh thực phẩm ở mức…an toàn hay không!.
Người tiêu dùng lựa chọn mua thực phẩm tại Siêu thị Thanh Hà. Ảnh: Sơn Ngọc
Có thể nói, sau hàng loạt vụ tai tiếng về nhiều thực phẩm kém phẩm chất như sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, chất bảo quản độc hại; chất tẩy từ thịt động vật bị ôi, hư thành thịt tươi…người tiêu dùng bắt đầu chú ý hơn đến vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP), dần dần thay đổi thói quen chuộng hàng ngoại để quay về dùng hàng nội với niềm tin dù ít hay nhiều rằng những mặt hàng nông dân làm ra cũng…sạch hơn!. Tuy nhiên niềm tin ấy “ngắn chỉ tày gan”, bởi theo kết quả thanh tra của Bộ NN-PTNT cho thấy hàng loạt trường hợp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) ngoài danh mục hay cực độc (bị cấm) để phun lên rau. Các mặt hàng hoa quả của Việt Nam thì được áp dụng công nghệ ép chín siêu tốc.
Đơn cử như mít, sầu riêng, đu đủ,... từ xanh non đã chín ngay tức khắc chỉ sau một đêm nhờ một loại thuốc thần kỳ gọi là “thúc chín”… Chất cấm xuất hiện ở khắp mọi nơi, từ chăn nuôi gia súc, gia cầm, ngay đến thủy sản, cơ quan chức năng cũng phát hiện cá được cho ăn chất tạo nạc, tôm nhiễm kháng sinh…
Trước thực trạng trên, để Nhân dân đón tết không những vui tươi mà còn bảo đảm sức khỏe, nhất là được sử dụng thực phẩm an toàn, bảo đảm vệ sinh, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh ATTP diễn ra mới đây, yêu cầu, trong năm 2016 cần có giải pháp cho vấn đề ATTP một cách căn cơ, tập trung giải quyết từ gốc, bắt đầu từ khâu thúc đẩy, mở rộng sản xuất nông sản an toàn. Đồng thời tạo dựng thị trường cho việc tiêu thụ sản phẩm an toàn, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi việc lưu thông thực phẩm không an toàn, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, kiểm tra ATTP, tập trung vào các mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016; thực hiện công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng các kết quả thanh tra, kiểm tra theo quy định. Tổ chức điều tra, phát hiện và đấu tranh với hành vi kinh doanh và sử dụng phụ gia thực phẩm không trong danh mục cho phép, không bảo đảm ATTP; đồng thời tiếp tục kiểm tra và xử lý nghiêm các đối tượng kinh doanh và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; rà soát, bổ sung danh mục các chất cấm trong chăn nuôi….Song song với đó, Phó Thủ tướng yêu cầu cần có giải pháp mở rộng hệ thống phân phối sản phẩm thực phẩm an toàn. Đồng thời, tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, kinh doanh, vận chuyển, tiêu thụ thực phẩm không bảo đảm ATTP. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai quyết liệt việc xây dựng hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm theo quy hoạch; rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch cơ sở giết mổ chưa hợp lý. Mặt khác, nghiên cứu, đầu tư xây dựng các chợ đầu mối kinh doanh buôn bán cũng như các chợ bán lẻ sản phẩm động vật, thủy sản bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phấm và vệ sinh môi trường; xây dựng các mô hình chuỗi liên kết sản xuất, kinh doanh bảo đảm ATTP (từ chăn nuôi - giết mổ - sơ chế, chế biến - tiêu thụ sản phẩm).
Thiết nghĩ, việc thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo nêu trên của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam của các ngành, địa phương trong tỉnh cũng là góp phần mang đến niềm tin về thực phẩm Việt đạt chất lượng VSATTP ngay chính bữa ăn trong từng gia đình dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016.
H.H