Vấn đề hôm nay:

Đừng để nông dân đơn độc!

(NTO) “Đầu ra” cho sản phẩm nông nghiệp là vấn đề luôn mang tính thời sự và trở thành nỗi lo thường trực của nhiều nông hộ hiện nay, bởi lẽ từ nhiều năm qua điệp khúc “được mùa mất giá” và ngược lại, thậm chí có thời điểm mất mùa nhưng giá cả cũng không đủ bù đắp chi phí đầu tư…. Tỉnh ta có nhiều nông sản có thể được xếp vào “danh mục” đặc sản và có lợi thế cạnh tranh cao, đặc biệt là nho và táo. Ngoài ra, hành, tỏi với hương vị riêng có ở vùng đất nắng đã được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến. Tuy nhiên, mặc dù sản lượng làm ra chưa đủ lớn để có thể cung cấp đầy đủ nếu thị trường có nhu cầu nhưng tiêu thụ cũng còn khá ì ạch, lệ thuộc vào sự “nóng, lạnh” của thị trường. Có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân cơ bản là khâu chuẩn bị cho “đầu ra” chưa được chặt chẽ, thiếu sự liên kết giữa những người sản xuất để bảo đảm thống nhất về giá thành sản phẩm… mà phần lớn lại phụ thuộc gần như hoàn toàn vào một số đại lý thu mua của tư thương.

Sản phẩm nho và vang Phan Rang được các doanh nghiệp quảng bá đến người tiêu dùng.
Ảnh: Sơn Ngọc
 

Khâu quảng bá, tiếp thị gần như còn bỏ ngỏ nên người tiêu dùng chưa hiểu rõ nguồn gốc, xuất xứ, thiếu tin vào chất lượng, độ sạch, độ an toàn của nông sản, cộng với tình trạng tràn lan trên thị trường nhiều sản phẩm tương tự của Trung Quốc do người bán “độn” vào hoặc thông tin với người mua sai lệch về “xuất xứ” dẫn đến “bán tín, bán nghi”. Cuối cùng người tiêu dùng lựa chọn cách an toàn là không mua cho chắc!. Đây cũng là yếu tố quan trọng làm cho nhiều sản phẩm nông nghiệp trong tỉnh không ổn định được “đầu ra” với giá cả hợp lý, bảo đảm tái đầu tư...

Cân phân mà nói, những năm gần đây ngành Công Thương của tỉnh đã có nhiều động thái tích cực để giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm, như hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, chế biến kinh doanh hàng nông sản… tham gia hội chợ, triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu tại các tỉnh, thành phố để có cơ hội quảng bá sản phẩm, hàng hóa đến với người tiêu dùng trong nước. Đặc biệt, đối với các sản phẩm chế biến từ nho, táo... đã bước đầu thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp phân phối, người tiêu dùng và đã được tiêu thụ thông qua các kênh phân phối truyền thống và hiện đại. Một số sản phẩm còn được tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị ở một số tỉnh, thành phố và các chuỗi cửa hàng mua bán có uy tín ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh... mở ra cơ hội khả quan cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.

Mong muốn của bà con nông dân là ngành chức năng cần tiếp tục mở rộng việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu mối, có năng lực, trách nhiệm, tạo mối liên kết đa chiều… để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Tránh tình trạng cạnh tranh cục bộ dẫn đến thiệt thòi về giá cho người sản xuất. Mặt khác, người sản xuất cần đáp ứng nhu cầu thị trường bằng chất lượng sản phẩm sạch, chất lượng cao, bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định của nhà phân phối, tiêu thụ... Có như vậy mới xây dựng được mối quan hệ “song hành” giữa người sản xuất với doanh nghiệp tiêu thụ nói chung, giảm dần tình trạng “độc hành” của nông dân, đặc biệt trong những ngày giáp tết này.