Trong gần hết nhiệm kỳ hoạt động, với tinh thần trách nhiệm trước cử tri và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Đoàn ĐBQH và các ĐBQH tỉnh đã nỗ lực, tổ chức triển khai tốt các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Đồng chí Nguyễn Bắc Việt, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh
chủ trì Hội nghị Lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
Hoạt động xây dựng pháp luật là một chức năng, nhiệm vụ quan trọng, từ Kỳ họp thứ 1 đến Kỳ họp thứ 10, Khóa XIII, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức 146 hội nghị, hội thảo để lấy ý kiến đóng góp vào 146 dự án luật, nghị quyết (nhiều hơn 100 dự án luật, NQ so với nhiệm kỳ khoá XII). Đoàn cũng đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong tỉnh như Thường trực HĐND, UBND, Ban Thường trực UB Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) tỉnh…tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân vào những dự án luật quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến toàn xã hội và các quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân, như: Hiến pháp năm 2013, Luật Đất đai, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự…Đối với hoạt động giám sát, trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức được 23 cuộc giám sát tại địa phương (nhiều hơn 12 cuộc so với khoá XII). Trong đó có nhiều nội dung giám sát quan trọng mà cử tri địa phương quan tâm như: “Tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản, gắn với bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận”; “Việc phân bổ, sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ đối với Dự án đường ven biển trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận”…
Về hoạt động tiếp xúc cử tri, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức 183 buổi tiếp xúc tại 7 huyện, thành phố và một số cơ quan, đơn vị trong tỉnh, thu hút khoảng 16.485 cử tri tham dự (trung bình có hơn 90 cử tri/điểm tiếp xúc) và đã có 18.350 cử tri đề xuất ý kiến, nguyện vọng gửi đến các cơ quan hữu quan (trung bình có hơn 10 cử tri đề xuất ý kiến, kiến nghị/điểm tiếp xúc). Sau các buổi tiếp xúc, Đoàn đã kịp thời tổng hợp, phân loại các ý kiến, kiến nghị của cử tri, gửi về UB Thường vụ Quốc hội, Ban Thường trực UB Trung ương MTTQVN, các bộ, ngành giải quyết và gửi các ý kiến thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền địa phương đến UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị liên quan trong tỉnh. Về hoạt động tiếp dân và giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, cùng với thường xuyên tiếp công dân định kỳ tại điểm tiếp của Đoàn ĐBQH tỉnh, khi được yêu cầu, các ĐB trong Đoàn đều bố trí tiếp công dân tại nơi cư trú hoặc nơi làm việc để trực tiếp lắng nghe ý kiến tâm tư, nguyện vọng hoặc phản ánh, kiến nghị của công dân. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đoàn ĐBQH tỉnh và các vị ĐBQH đã tiếp 557 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo và trình bày ý kiến, kiến nghị tại các buổi tiếp công dân định kỳ (nhiều hơn 350 lượt so với khóa XII) và hơn 250 lượt công dân ngoài các ngày tiếp định kỳ trong tuần. Các ĐBQH và Đoàn đã tiếp nhận 670 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân (nhiều hơn 379 đơn so với khoá XII) và đã chuyển phần lớn đơn thư cho các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Với tinh thần trách nhiệm trước cử tri, các vị ĐBQH trong Đoàn tích cực nghiên cứu tài liệu, tham dự và thường xuyên phát biểu ý kiến tại các phiên họp toàn thể tại hội trường và các buổi thảo luận ở tổ, thể hiện được tiếng nói của cử tri địa phương và chính kiến của ĐB tại diễn đàn Quốc hội. Tại 10 kỳ họp vừa qua, có 261 lượt ý kiến của các ĐB trong Đoàn phát biểu thảo luận (bình quân mỗi kỳ họp có 26 lượt ý kiến phát biểu) về nhiều nội dung. Trên cơ sở ý kiến, kiến nghị cử tri, kết quả giám sát và tình hình thực tế, đã có 21 lượt ĐB trong Đoàn tham gia chất vấn trực tiếp tại hội trường với hơn 40 nội dung và có 24 lượt ĐB chất vấn bằng văn bản với hơn 45 nội dung. Có 9 lượt ý kiến chất vấn tại các phiên họp của UB Thường vụ Quốc hội và các phiên giải trình của Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội.
Nhìn chung trong nhiệm kỳ khóa XIII, Đoàn ĐBQH và các ĐBQH tỉnh ta đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, làm tròn nhiệm vụ ĐB Nhân dân trong cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Nhiều ý kiến của ĐBQH trong Đoàn tại diễn đàn Quốc hội có chất lượng, đã đóng góp xứng đáng vào kết quả hoạt động chung của Quốc hội. Từ kinh nghiệm thực tiễn qua hoạt động, hướng tới nhiệm kỳ mới của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh ta đã có một số kiến nghị gửi lên Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương với nhiều nội dung đổi mới quan trọng. Đối với địa phương, Đoàn đề xuất UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành và UBND các cấp thực hiện tốt hơn nữa công tác giải quyết các kiến nghị sau các cuộc giám sát của Đoàn và các ý kiến cử tri, các đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân do Đoàn ĐBQH tỉnh chuyển đến.
Bạch Thương