Kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống ngành nội chính đảng (5/1/1966 - 5/1/2016):

Ngành Nội chính Đảng: Tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

(NTO) Trải qua 50 năm xây dựng và trưởng thành, mặc dù tên gọi, chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của hệ thống cơ quan làm công tác tham mưu cho Đảng về nội chính có sự thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh của từng giai đoạn, nhưng vẫn đảm bảo sự liên tục, xuyên suốt và có tính kế thừa, thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ được giao.

Ngô Văn Thái
Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy

Đến nay, hệ thống các cơ quan tham mưu cho Đảng về công tác nội chính đã được kiện toàn trên phạm vi cả nước. Ngành Nội chính Đảng có nhiều thế hệ cán bộ làm công tác nội chính có chuyên môn, nghiệp vụ vững chắc, phẩm chất đạo đức trong sạch, tư tưởng chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, phục vụ đắc lực cho sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng.

Ngay sau khi tái lập tỉnh tháng 4-1992, ngành Nội chính Đảng của tỉnh Ninh Thuận từng bước ổn định về bộ máy, tiếp tục nỗ lực nghiên cứu, tham mưu Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị 29-CT/TW ngày 8-11-1993 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật” gắn với liên hệ kiểm điểm sâu sắc thực tế kết quả chấp hành pháp luật trong việc bắt giam giữ, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành kế hoạch, thành lập đoàn kiểm tra, sơ kết, tổng kết thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước về nhiệm vụ quốc phòng và bảo vệ an ninh quốc gia, chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; từ đó nhận thức, trách nhiệm, tinh thần cảnh giác cách mạng được nâng lên, bảo đảm tốt an ninh trật tự. Tham mưu Thường vụ Tỉnh ủy cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết 14-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 15-5-1996 về quan điểm chỉ đạo và một số giải pháp phòng, chống tham nhũng thành kế hoạch, nắm chắc tình hình, nghiên cứu, đề xuất Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo giải quyết hiệu quả nhiều vụ án, vụ việc quan trọng, phức tạp, dư luận quan tâm, góp phần ổn định trật tự xã hội, dư luận đồng tình đánh giá cao; nhất là vụ việc phức tạp, điểm nóng về an ninh trật tự, tội phạm hình sự, tham nhũng, buôn lậu theo đúng chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước. Điểm nổi bật là Ban đã nghiên cứu, đề xuất Tỉnh ủy ban hành nhiều quy định về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật; quy định về sự phối hợp hoạt động các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác xét xử tội phạm; đề xuất Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chị thị tăng cường lãnh đạo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trước khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 09-CT/TW ngày 6-3-2002.

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 (Khóa VIII) Ban Chấp hành Trung ương Đảng “Về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị”, ngày 19-4-2000 Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 559-QĐ/TU về việc giải thể Ban Nội chính Tỉnh ủy, chuyển giao chức năng, nhiệm vụ của Ban Nội chính Tỉnh ủy cho Văn phòng Tỉnh ủy đảm nhiệm; ngày 15-11-2002, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy có Quyết định số 52-QĐ/VP về việc thành lập phòng Nội chính-Tiếp dân.

Thực hiện chủ trương của Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về phòng, chống tham nhũng và quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, ngày 31-3-2008, UBND tỉnh ra Quyết định số 85/QĐ-UBND thành lập, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo tỉnh về phòng, chống tham nhũng, do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban.

Để phối hợp tham mưu cho Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, Văn phòng Tỉnh ủy đã liên hệ thường xuyên với Ban chỉ đạo tỉnh về phòng, chống tham nhũng để trao đổi thông tin. Điểm nổi bật về kết quả tham mưu trong thời kỳ này là phòng Nội chính-Tiếp dân đã giúp lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy tham mưu phục vụ hiệu quả về lĩnh vực nội chính, tiếp dân. Ngoài việc theo dõi thông tin kịp thời cho cấp ủy về tình hình an ninh trật tự, về công tác quân sự, quốc phòng địa phương, bảo đảm an ninh trật tự, cải cách tư pháp, khiếu nại, tố cáo, tổng kết năm, đã tham mưu xử lý vụ án, vụ việc quan trọng phức tạp.

Thực hiện Nghị quyết và Kết luận Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI); trên cơ sở Quy định số 183-QĐ/TW và Công văn số 155-CV/TW ngày 8-4-2013 của Ban Bí thư, ngày 13-6-2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 1977-QĐ/TU về việc thành lập Ban Nội chính Tỉnh ủy trên cơ sở hợp nhất Phòng Nội chính- Tiếp dân Văn phòng Tỉnh ủy và Văn phòng Ban Chỉ đạo tỉnh về phòng, chống tham nhũng, đồng thời ban hành Quy định số 1975-QĐ/TU về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Nội chính Tỉnh ủy; là cơ quan tham mưu của Tỉnh ủy, mà trực tiếp, thường xuyên là Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy, về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng.

Nét nổi bật là nghiên cứu, đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Thường trực Tỉnh uỷ lãnh đạo, chỉ đạo nghiêm túc, chặt chẽ có hiệu quả việc cụ thể hóa các Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Ban Bí thư, Bộ Chính trị về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng; kịp thời đề xuất Chương trình công tác, Chương trình giám sát, kiểm tra nhiệm kỳ 2015-2020 về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng. Phối hợp nắm chắc tình hình, tham mưu Tỉnh ủy chỉ đạo, lãnh đạo tốt công tác bảo đảm an ninh trật tự, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương, cải cách tư pháp, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tổ chức rà soát các cuộc thanh tra kinh tế-xã hội 2011-2014 để đề xuất Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo thực hiện triệt để các kiến nghị, kết luận thanh tra; tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng. Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Ninh Thuận tổ chức Hội nghị phòng, chống tội phạm tham nhũng trong hoạt động tín dụng ngân hàng; phối hợp với Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh tổ chức Hội thảo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm trong mua sắm, chi tiêu công của các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh. Biên soạn tài liệu, tuyên truyền về nghiệp vụ công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng cho gần 1.200 đồng chí là cấp ủy, lãnh đạo, cán bộ cơ sở ở các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc và một số ngành, góp phần nâng cao nhận thức về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng; phương thức, thủ đoạn, giải pháp phòng ngừa vi phạm, tội phạm kinh tế, tham nhũng; quan điểm, mục tiêu, nội dung, giải pháp và cách thức thực hiện 6 nhóm giải pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí; một số nội dung cơ bản về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Phối hợp nghiên cứu đề án nâng cao pháp chế trong thực hiện pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Thực hiện 6 quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Tỉnh ủy với UBKT Tỉnh ủy, Công an tỉnh, Ban cán sự Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Ban cán sự Tòa án nhân dân tỉnh; Ngân hàng Nhà nước và Thanh tra tỉnh trong công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng; xây dựng chương trình phối hợp thông tin tuyên truyền chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước về cải cách tư pháp và kết quả hoạt động tư pháp 2015-2020 giữa Ban với Báo Ninh Thuận, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Công an, Kiểm sát, Tòa án, Sở Tư pháp và Hội Luật gia tỉnh.

Trong thời gian tới, trước mắt năm 2016, ngành Nội chính Đảng cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm, đó là:

Một là, quán triệt sâu sắc, thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020, các Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Ban Bí thư, Bộ Chính trị về nhiệm vụ quân sự-quốc phòng địa phương, bảo đảm an ninh quốc gia, phòng, chống tội phạm, phòng, chống tham nhũng, cải cách tư pháp và xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng.

Hai là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền chủ động trong công tác đánh giá, dự báo, nắm chắc tình hình; có phương án, giải pháp ứng phó, ngăn ngừa kịp thời, hiệu quả, làm thất lại âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; đẩy mạnh công tác phòng, chống tội phạm, không để hoạt động băng, nhóm tội phạm theo kiểu xã hội đen; bảo đảm trật tự, an toàn và giảm tai nạn giao thông và phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.

Ba là, cấp ủy, chính quyền các cấp, chỉ đạo xây dựng kế hoạch, phương án đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài.

Bốn là, các ngành, các cấp tăng cường tuyên truyền, tập huấn, thông tin tuyền truyền về công tác phòng, chống tham nhũng, cải cách tư pháp, bảo vệ Tổ quốc. Công tác bảo đảm an ninh trật tự và các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành, sửa đổi bổ sung cho các đối tượng với hình thức phù hợp, chú trọng ưu tiên cấp ủy viên và lãnh đạo các sở, ngành, phòng, ban, cơ quan, đơn vị.

Năm là, chỉ đạo kiểm tra tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng; tổng kết Nghị quyết Trung ương 3 (khóa IX) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 15-CT/TU ngày 21-6-2011 của Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng lực lượng dân quân tự vệ trong tình hình mới.

Sáu là, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng các ngành trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; thông qua đề án tổ chức hội nghị nâng cao pháp chế trong quản lý bảo vệ, phát triển rừng; quan tâm đầu tư phương tiện; tăng cường tuần tra, kiểm soát kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm; quản lý chặt chẽ rừng, đất lâm nghiệp theo Nghị quyết 17-NQ/TU ngày 14-10-2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Bày là, tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị 50-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát phòng, chống hiệu quả tham nhũng, lãng phí, nhất là các lĩnh vực: mua sắm tài sản công, quản lý đầu tư, xây dựng, tài chính, ngân sách, quản lý sử dụng các khoản hỗ trợ, viện trợ; thực hiện chính sách thuế, bảo hiểm xã hội, quản lý đất đai, tài nguyên, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Thường xuyên rà soát, chỉ đạo, xử lý, giải quyết, thực hiện nghiêm các kiến nghị, kết luận sau thanh tra, kiểm tra kinh tế, xã hội. Tổ chức thực hiện dứt điểm đúng sự chỉ đạo của Thường vụ Tỉnh ủy sau khi tổ chức rà soát các cuộc thanh tra kinh tế, xã hội.

Tám là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong các tổ chức Đảng, các cơ quan nội chính từ tỉnh đến cơ sở. Thực hiện nghiêm túc chế đô báo cáo theo quy định.

Với những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2016, Ban Nội chính Tỉnh ủy mong tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Nội chính Trung ương, sự phối hợp, ủng hộ, chia sẻ của các Ban Đảng tỉnh, các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, các sở, ngành, đoàn thể trong tỉnh đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành Nội chính Đảng tỉnh nhà trong giai đoạn mới.