Nhân tài với công cuộc kiến thiết đất nước

Cách đây 70 năm, vào cuối năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài: "Nhân tài và kiến quốc", đăng trên Báo "Cứu quốc" (số 91, ngày 14-11-1945). Bài viết tuy ngắn, nhưng đã toát lên tư tưởng dùng người của Bác.

Người nói rằng, muốn giữ vững nền độc lập, thì chúng ta phải đem hết lòng hăng hái, dốc sức vào con đường kiến quốc. "Kháng chiến phải đi đôi với kiến quốc. Kháng chiến có thắng lợi thì kiến quốc mới thành công. Kiến quốc có chắc thành công, kháng chiến mới mau thắng lợi. Kiến quốc cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng thêm nhiều". Người chỉ rõ công việc bây giờ là "Kiến thiết ngoại giao, kiến thiết kinh tế, kiến thiết quân sự, kiến thiết giáo dục". Người mong đồng bào ta ai có tài năng và sáng kiến về những công việc đó, lại sẵn lòng hăng hái giúp ích nước nhà, thì xin gửi kế hoạch rõ ràng lên cho Chính phủ. "Chúng tôi sẽ nghiên cứu kế hoạch ấy một cách kỹ lưỡng có thể thực hành được thì sẽ thực hành ngay"-Người viết.

Một năm sau, Báo "Cứu quốc" (số 411, ra ngày 20-11-1946), tiếp tục đăng bài viết của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Hồ Chí Minh với nhan đề: "Tìm người tài đức". Bài viết chỉ vẻn vẹn nửa trang giấy, nhưng cũng đã toát lên tư tưởng lớn của Người, là hãy đi tìm người tài đức để sử dụng họ vào công cuộc kháng chiến và kiến quốc. Người nêu rõ: "Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bực tài, đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận. Nay muốn sửa đổi điều đó, và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết.

Báo cáo phải nói rõ: tên tuổi, nghề nghiệp, tài năng, nguyện vọng và chỗ ở của người đó. Hạn trong một tháng, các cơ quan, địa phương phải báo cáo cho đủ".

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là để "tránh khỏi sự hao phí nhân tài, chúng ta cần phải sửa chữa cách lãnh đạo”. Thí dụ: “Bắt buộc cán bộ trong mỗi ngành phải thiết thực báo cáo và cất nhắc nhân tài". Người khẳng định: “Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Vì vậy, Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc của chúng ta" (Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, sđd, tr. 273).

Trong nhiều bài viết khác, Người kêu gọi mọi người, mọi tổ chức, không phân biệt tổ chức công lập hay ngoài công lập, hãy tiến cử, giới thiệu, động viên, tôn vinh những bậc hiền tài, xem đó là việc làm rất có ý nghĩa đối với công cuộc kiến thiết đất nước.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về trọng dụng nhân tài trong sáng biết bao, đẹp đẽ biết bao, nhân văn biết bao. Có điều là, cả người tiến cử và người được tiến cử đều phải gặp nhau ở cái tâm hết sức trong sáng, không vụ lợi, một lòng một dạ vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tài năng và đạo đức tạo thành phẩm chất. Phẩm chất là sự hội tụ của đạo đức và tài năng. Tài năng và đạo đức là nhân tố để con người tiến thân bằng cả trái tim và khối óc. Phẩm chất của con người phải được sàng lọc rất kỹ. Ít ai dám nói là mình đã hoàn hảo, nhưng mỗi người phải suốt đời phấn đấu để trở nên hoàn hảo. Sự rèn luyện, tu dưỡng bản thân là lẽ sống thường tình.

2. Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, trong những năm đổi mới, Đảng đã có 4 nghị quyết về xây dựng Đảng trong thời kỳ đổi mới, trong đó có Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI: "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Nghị quyết đặc biệt chú trọng đến vấn đề cán bộ và công tác cán bộ. Vấn đề trong Nghị quyết đặt ra là phải ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là ở cấp Trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị. Trước đây, đặt vấn đề tự phê bình và phê bình từ dưới lên, thì Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI đặt vấn đề từ trên xuống. Đó cũng là cách làm mới của Trung ương.

Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI trình Đại hội XII của Đảng rất quan tâm đến vấn đề cán bộ và công tác cán bộ, trong đó nhấn mạnh việc tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng. Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, coi đó là công việc thường xuyên của các tổ chức đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội, địa phương, đơn vị, gắn với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Dự thảo khẳng định: “Kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái, "lợi ích nhóm", nói không đi đôi với làm”.

Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI vừa bế mạc đã khẳng định sự cần thiết, đúng đắn của việc ban hành và kiên trì, kiên quyết tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI về xây dựng Đảng, ban hành và thực hiện các quy định, quy chế, cơ chế trong công tác cán bộ, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và chặt chẽ giữa các khâu, liên thông giữa các cấp. Tiếp tục đổi mới phương thức tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ; xây dựng cơ chế, chính sách để các tập thể, cá nhân cán bộ, đảng viên và nhân dân phát hiện, giới thiệu nhân tài cho Đảng, Nhà nước…

Phát hiện, bồi dưỡng, giới thiệu nhân tài cho Đảng, Nhà nước; phát huy trí tuệ của nhân dân là công việc hết sức quan trọng và cần thiết, góp phần phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, đưa đất nước ta vững bước đi lên trên đường đổi mới, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Nguồn Báo điện tử Quân đội nhân dân