Nhơn Sơn ép dân mua bò gầy!

(NTO) Trong thời gian qua, tỉnh ta thực hiện chủ trương hỗ trợ chuyển đổi nghề cho các hộ nghèo sinh sống ở các thôn, xã đặc biệt khó khăn theo Quyết định 755 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, mỗi hộ được nhận hỗ trợ chuyển đổi nghề 20 triệu đồng/hộ, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 5 triệu đồng và vay vốn hỗ trợ lãi suất từ Ngân hàng Chính sách xã hội 15 triệu đồng, trong thời hạn 5 năm. Toàn tỉnh có 1.044 hộ được hỗ trợ theo chủ trương này với số vốn gần 21 tỷ đồng.

Thế nhưng, khi thực hiện chủ trương này, một số địa phương cố tình làm sai, gây nhiều bức xúc trong Nhân dân. Tại xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn) có 37 hộ thuộc diện nghèo ở thôn Lương Tri và Núi Ngỗng được hưởng chính sách này. Khi vừa có chủ trương thực hiện chương trình hỗ trợ chuyển đổi nghề, ông Đạo Văn Sói, Phó Chủ tịch UBND xã đã ép buộc người dân nhận bò trước khi nguồn vốn được giải ngân và “giới thiệu” đơn vị cung cấp bò là ông Nguyễn Văn Huynh (xã Mỹ Sơn, Ninh Sơn).

Bò Nhơn Sơn.

Trong 35 con bò do ông Huynh cung cấp dù nói đã được thú y kiểm dịch và tiêm phòng đầy đủ, nhưng vừa nhận về 10 ngày là phát bệnh lở mồm long móng. Nhiều hộ dân quá lo lắng sợ bò chết phải mang nợ ngân hàng nên muốn trả lại bò. Theo nhiều người dân có kinh nghiệm chăn nuôi thì phần lớn số bò do ông Huynh cung cấp đều là bò thải loại do quá già và chất lượng con giống xấu. Hộ gia đình Mang Thị Út và Trần Văn Cường “được nhận” một con bò nái với giá 18,5 triệu đồng nhưng bị gãy sừng và vóc dáng nhỏ. Anh Cường bức xúc cho biết: Gia đình không muốn nhận hỗ trợ 5 triệu đồng mà chỉ muốn vay 15 triệu tiền ngân hàng để gia đình được quyền lựa chọn bò có chất lượng, sau này sinh sản tốt có tiền trả lại ngân hàng, chứ bây giờ nhận bò của xã mua giùm chỉ có mang nợ thôi. Còn chị Mang Thị Gái thì nhận được một con bò già ốm yếu. “Không nhận bò thì xã không cho nhận 5 triệu đồng, còn nhận con bò ốm trơ xương này gia đình cũng không biết nuôi làm sao cho nó sinh sản mà sinh lời đây, nói chi đến tiền trả ngân hàng!”-chị Gái than thở.

Việc xét chọn đối tượng hỗ trợ vốn chuyển đổi nghề cũng có nhiều vấn đề bất cập. Đối với những hộ còn sức lao động mới nhận vốn hỗ trợ chuyển đổi nghề, còn đằng này UBND xã Nhơn Sơn xét duyệt hỗ trợ chuyển đổi nghề cho cả những đối tượng 70, 71 tuổi đã mất sức lao động nhận bò về chăn nuôi. Đơn cử như hộ bà Đạo Thị Lễ, Đạo Văn Liễu ở thôn Lương Tri, nay đã 71 tuổi, đi lại khó khăn thì sức đâu mà chăm sóc bò?

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Chí, Chủ tịch UBND xã Nhơn Sơn, cho biết: Việc triển khai chương trình hỗ trợ vốn chuyển đổi nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, UBND xã phân công cho anh Phó Chủ tịch Đạo Văn Sói triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện, anh Sói không thành lập tổ giám sát, tổ định giá bò mà tự ý để một đơn vị độc quyền cung cấp bò cho những hộ dân thuộc diện chuyển đổi nghề, vấn đề bò xấu mà giá cao đã gây nhiều bức xúc trong Nhân dân. Về chủ trương hỗ trợ chuyển đổi nghề là do Nhân dân tự chọn ngành nghề phù hợp thực tế, chứ nhất thiết không phải nuôi bò nái sinh sản, có thể nuôi vỗ béo bò thịt, cừu thịt, miễn sao sử dụng đồng vốn hiệu quả và tạo sự đồng thuận của các hộ nhận hỗ trợ. Việc anh Sói tự thỏa thuận với đơn vị cung cấp đồng loạt bò cho dân mà không có sự đồng thuận của dân là thiếu dân chủ!

Không riêng gì tại Nhơn Sơn (Ninh Sơn) có những “gút mắt” trong việc mua bán, cung cấp bò cho dân từ chương trình hỗ trợ chuyển đổi nghề cho hộ nghèo, mà ở một số địa phương khác cũng xảy ra tình trạng này. Từ một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân của Nhà nước mà những “công bộc” của dân cố tình làm sai đã gây ảnh hưởng xấu trong Nhân dân.

Ông Trần Ngọc Tú, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, cho biết: Trong quá trình rà soát đối tượng được hỗ trợ chuyển đổi nghề theo Quyết định 755 của Thủ tướng Chính phủ là do địa phương thực hiện. Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ giải ngân trực tiếp đến từng hộ vay thông qua các tổ ủy thác vay vốn tại địa phương. Đối với những đối tượng đã mất sức lao động nhưng một số địa phương đưa vào danh sách hỗ trợ, chúng tôi sẽ kiên quyết không giải ngân vốn. Khi các hộ vay vốn và sử dụng đồng vốn đúng mục đích để chuyển đổi nghề, ví dụ như làm dịch vụ, các nghề thủ công, cơ khí nông nghiệp… là chúng tôi giải ngân chứ không nhất thiết phải mua bò về nuôi.