Cảnh báo nguy hại từ việc đánh bắt cá bằng xung điện

(NTO) Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng liên tục cảnh báo về sự nguy hiểm đến tính mạng và hủy hoại đối với môi trường sinh thái từ việc đánh bắt cá bằng xung điện. Tuy nhiên, tại một số địa phương, tình trạng này vẫn còn diễn ra khá phổ biến.

 
Tình trạng người dân đánh bắt cá bằng xung điện vẫn khá phổ biến ở huyện Ninh Phước.

Thường ngày, đi trên cánh đồng thuộc xã Phước Thuận, Phước Hậu, Phước Hữu (Ninh Phước), đặc biệt là vào ban đêm, không khó để bắt gặp hình ảnh người dân mang bộ xung điện, kích điện đi dọc các con mương ven đồng ruộng để bắt cá. Những thiết bị “hành nghề” này khá đơn giản, chỉ một bình ắc-quy khoảng 12V, được gắn với một bộ phận kích điện, nối dây dẫn điện xuống hai cần tre dài khoảng 2m, có gắn thanh sắt nhọn và vợt sắt rồi bật công tắc thì có thể tạo ra dòng điện từ 110-220V. Với cách đánh bắt này, tất cả các sinh vật ở dưới nước nằm trong tầm bán kính từ 1,5-2m đều bị hủy diệt.

Điều đáng quan tâm hơn, việc người dân đánh bắt cá bằng xung điện không chỉ làm cho nguồn thủy sản ngày càng cạn kiệt, mà còn de dọa đến tính mạng người sử dụng, bởi chỉ cần một chút bất cẩn là xảy ra hậu quả khôn lường.

Tại Điều 15, Nghị định 103/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản, thì hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản sẽ bị phạt tiền từ 1-2 triệu đồng. Quy định rất cụ thể, tuy nhiên, hiện còn rất nhiều người không biết việc dùng bình ắc-quy để đánh bắt cá là vi phạm pháp luật. Do vậy, mong rằng chính quyền địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để người dân hiểu và chấp hành tốt hơn, nhằm giảm thiểu nguy cơ cạn kiệt nguồn thủy sản tự nhiên và tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra đối với con người.