An toàn giao thông học đường, nhiều vấn đề cần quan tâm

(NTO) Giáo dục văn hóa giao thông (VHGT) trong nhà trường có vai trò quan trọng góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật về an toàn giao thông (ATGT) và ý thức tham gia giao thông cho mỗi học sinh (HS). Thời gian qua, công tác này đã được ngành chức năng và các nhà trường quan tâm thực hiện, tuy nhiên ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông của một bộ phận không nhỏ HS vẫn còn hạn chế.

Trường THPT Nguyễn Trãi được xem là điểm sáng về việc giáo dục VHGT cho HS với nhiều hoạt động phong phú, sáng tạo. Việc bảo đảm ATGT cho HS luôn được nhà trường phối phợp với các cơ quan chức năng của thành phố tăng cường tuyên truyền, giáo dục Luật Giao thông đường bộ, VHGT cho HS. Thầy giáo Lê Đặng Huỳnh Sơn, Bí thư Đoàn trường, cho biết: Vào sáng thứ hai hằng tuần, nhà trường đều sinh hoạt dưới cờ về vấn đề ATGT, ngoài ra còn có chương trình phát thanh, thi tiểu phẩm tuyên truyền về ATGT; cho HS ký cam kết nếu vi phạm ATGT sẽ có biện pháp nhắc nhở, trừ điểm thi đua của lớp và khi bị xử lý vi phạm ATGT sẽ bị hạ hạnh kiểm. Bên cạnh đó, Đoàn trường cũng phối hợp với Công an thành phố, Đoàn phường Mỹ Hương tổ chức xây dựng cổng trường ATGT, hướng dẫn và phân luồng giao thông mỗi khi tan trường. Nhờ vậy, số HS vi phạm ATGT đã giảm so với trước đây, ý thức chấp hành pháp luật của HS khi tham gia giao thông được nâng lên.

Cảnh ách tắc giao thông trước cổng Trường THCS Lê Hồng Phong giờ tan học.

Thực tế cho thấy, VHGT trong học đường hiện nay tuy đã được cải thiện so với trước đây nhưng vẫn xuất hiện một bộ phận HS ý thức còn kém khi tham gia giao thông. Không khó để bắt gặp hình ảnh HS đi dàn hàng ngang trên đường, đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, thậm chí là đi xe máy đến trường, hay như cảnh phụ huynh đưa đón con bằng xe máy dừng đậu dưới lòng đường trước cổng trường gây ách tắc giao thông vào thời gian tan trường. Nhiều người dân Tp. Phan Rang-Tháp Chàm cảm thấy rất khó chịu về tình trạng giao thông lộn xộn trước cổng Trường THCS Lê Hồng Phong, Trường THPT Chu Văn An mỗi khi giờ tan tầm. “Hằng ngày, tầm hơn 5 giờ chiều, đi làm về qua đoạn đường này luôn cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng, vì HS, phụ huynh đi xe đạp, xe máy rất lộn xộn”-một người dân cho biết.

Theo thống kê, trong năm 2014, trên địa bàn tỉnh có 74 trường hợp HS vi phạm về ATGT, trong đó có 3 trường hợp bị tai nạn giao thông, các lỗi vi phạm chủ yếu là không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe đạp điện. HS vi phạm chủ yếu là ở các trường: THPT Ninh Hải, THPT Tôn Đức Thắng, THCS Đoàn Thị Điểm (Ninh Hải). Nguyên nhân chính là do ý thức và tính tự giác chấp hành pháp luật về trật tự ATGT ở một bộ phận HS còn hạn chế; công tác kiểm tra, xử lý của các ngành chức năng chưa thường xuyên, bên cạnh đó công tác kiểm tra, giám sát và phối hợp của nhà trường với gia đình HS chưa được quan tâm.

Nhận thức rõ vai trò về việc xây dựng VHGT trong học đường, những năm qua, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các phòng GD&ĐT, nhà trường tăng cường tuyên truyền, giáo dục VHGT cho HS bằng nhiều hình thức. Qua đó đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác giáo dục, đảm bảo trật tự ATGT, điển hình như Phòng GD&ĐT huyện Thuận Bắc chỉ đạo mỗi trường học đều có tủ sách pháp luật, tạo điều kiện về kinh phí nhằm trang bị các tài liệu, sách báo về pháp luật trong đó có ATGT; Phòng GD&ĐT Tp. Phan Rang-Tháp Chàm đã cấp kinh phí làm băng-rôn, khẩu hiệu để các trường thực hiện tốt công tác tuyên truyền về ATGT, hay như Trường THPT Phạm Văn Đồng (Ninh Phước) triển khai mô hình phối hợp lực lượng thanh niên xung kích của trường với xã Phước Hậu hướng dẫn giao thông trước cổng trường vào giờ tan học, theo dõi, nắm thông tin xử lý HS vi phạm, rút kinh nghiệm dưới cờ để răn đe, đồng thời biểu dương những tập thể, cá nhân tham gia tích cực trong công tác đảm bảo trật tự ATGT trước toàn trường; Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn yêu cầu mỗi cán bộ, giáo viên, công nhân viên đều phải là thành viên tích cực tuyên truyền, nhắc nhở HS chấp hành nghiêm pháp luật về ATGT; Trường THPT Phan Chu Trinh đã xây dựng những mẩu chuyện, tiểu phẩm thiết thực để chuyển tải tới HS trong các cuộc thi, chương trình văn nghệ nhằm nâng cao nhận thức cho HS. Phối hợp với Cảnh sát giao thông chốt trước cổng trường để giảm tình trạng HS vi phạm ATGT.

Để hạn chế tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông trước cổng trường, quan trọng nhất vẫn là việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về ATGT của HS cũng như phụ huynh; đồng thời, nhà trường cần phối hợp với ngành chức năng để xử lý nghiêm những trường hợp HS vi phạm ATGT. Về phía gia đình, tùy thuộc vào độ tuổi của con em mà có hướng dẫn về kỹ năng tham gia giao thông, thường xuyên nhắc nhở, giáo dục về những tác hại, hậu quả của việc vi phạm trật tự ATGT. Có vậy, mới góp phần đưa “VHGT học đường” đi vào thực chất.