(NTO) Gần đây, báo chí thông tin với mật độ khá dày về tình trạng thực phẩm bị “tẩm độc” bằng nhiều loại hóa chất cấm, độc hại nhưng vẫn “lưu hành”…thông thoáng trên thị trường mà không gặp phải “rào cản” nào đáng kể. Và điều cũng rất đáng ngạc nhiên là không ít người tiêu dùng vẫn tiêu thụ một cách “vô tư” như không có chuyện gì xảy ra. Có người đã ví von rằng: Con đường từ dạ dày đến nghĩa địa hiện nay rất ngắn!. Thậm chí còn cho rằng: Hiện nay người mình đã tự… ướp xác mình!... nghe mà phát sợ đến mức nhìn đâu cũng thấy thực phẩm bẩn từ mớ rau, con cá đến thịt heo, ngay con bò là động vật ăn cỏ tưởng rằng “sạch” nhưng qua “bàn tay” chế biến từ chợ đến bếp đã trở nên độc địa bởi hóa chất được ướp, tẩm… để giữ tươi, lâu.
Nông dân xã An Hải (Ninh Phước) thu hoạch măng tây xanh trồng theo tiêu chuẩn VietGAP cung cấp thị trong và ngoài tỉnh.
Ảnh: Sơn Ngọc
Mới đây, tại một hội thảo về phòng, chống ung thư quốc gia, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, ở nước ta trung bình mỗi năm có ít nhất trên 125.000 trường hợp mắc mới ung thư và ít ra có hơn 75.000 người trong số này tử vong. Đáng nói là theo dự báo đến năm 2020, ung thư không những không giảm mà có khả năng sẽ tăng lên trên dưới 190.000 trường hợp mắc căn bệnh hiểm nghèo này mỗi năm, xảy ra ở mọi lứa tuổi, giới tính… Nguyên nhân, theo phân tích chủ yếu là do ăn uống mà ra. Thế nhưng điều tưởng chừng như nghịch lý mà lại rất… có lý là bệnh ung thư ngày nay rơi vào những người khá giả có xu hướng tăng lên, trong khi những người khó khăn lại ít mắc căn bệnh này, có lẽ do ít tiền nên chủ yếu sử dụng nguồn thực phẩm “tự cung tự cấp” từ ruộng, vườn của gia đình nên “sạch” hơn chăng!.
Nghe chuyện, mấy ông nhà vườn chuyên trồng các loại rau để cung cấp cho thị trường “nội” phường, xã tỏ vẻ không đồng tình lắm, nhất là việc sử dụng các loại thuốc trừ sâu bảo vệ cho cây trồng. Ông bạn gần nhà tôi cho rằng, dù gì thì không ai muốn đem “độc hại” đến cho bà con chòm xóm tiêu thụ rau xanh nên nhiều nhà đầu tư sản xuất theo “tiêu chuẩn” sạch. Khổ nỗi làm kiểu này thì chi phí cao do mất nhiều thời gian chăm sóc nhưng khi bán chợ thì… “cá mè một lứa”, không người bán nào chịu mua giá cao hoặc giới thiệu cho khách hàng loại nào không sử dụng thuốc, loại nào có… Thôi thì lương tâm của mình làm, lãi ít một chút cũng được. Đây là thực tế mà ngành chức năng, liên quan cần lưu ý để giúp người tiêu dùng có đầy đủ thông tin thị trường…
Hãy nghĩ về nhiều người là mong muốn và cả lương tâm đối với người sản xuất, lưu thông và người tiêu dùng để góp phần hạn chế những bệnh tật mà lẽ ra có thể phòng tránh được nếu đồng lòng.
HH