Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích đất rừng
Ngày 9/12, chủ trì Hội nghị sơ kết kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2015, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban chỉ đạo Nhà nước về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng nhấn mạnh các mục tiêu tăng độ che phủ, chất lượng rừng trong thời gian tới, đồng thời yêu cầu kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đất rừng sang mục đích khác.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh yêu cầu đặc biệt quan trọng của nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng trong vai trò bảo vệ nguồn sống, nguồn sinh thái cũng như vị trí chủ chốt trong chủ trương ứng phó biến đổi khí hậu, giảm hiệu ứng nhà kính, nước biển dâng trong các cam kết quốc tế.
Ghi nhận những kết quả đạt được trong 5 năm qua, Phó Thủ tướng biểu dương những điểm tích cực trong sản xuất lâm nghiệp, xuất khẩu sản phẩm lâm nghiệp chuyển dịch theo hướng thị trường, nuôi trồng cũng như bảo vệ rừng được đẩy mạnh với những mô hình, chính sách phù hợp, hiệu quả.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra một số tồn tại như: độ che phủ rừng chưa đạt, kết quả trồng rừng không đồng đều giữa các địa phương, chất lượng rừng hiện ccòn nhiều hạn chế… . "Rõ ràng đời sống của người trồng rừng chưa đạt được mục tiêu", Phó Thủ tướng lưu ý.
Chính vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu mục tiêu chính của giai đoạn 2016-2020 là khắc phục những tồn tại, bất cập này. Đồng thời, phải tiếp tục nâng cao công tác tuyên truyền về vai trò của rừng, vị trí của rừng đối với việc phát triển đất nước, phát triển bền vững.
"Vừa rồi nước ta bị xếp vào 7/20 nước bị tác động bởi biến đổi khí hậu nhiều nhất. Quốc tế cũng chỉ ra giải pháp về trồng rừng để ứng phó biến đổi khí hậu là rẻ và hiệu quả nhất… Công tác tuyên truyền là hết sức quan trọng, giai đoạn 2016-2020 mà không chuyển đổi nhận thức thì diện tích rừng sẽ giảm tiếp. Vấn đề không chỉ là độ che phủ, mà còn là chất lượng rừng như thế nào", Phó Thủ tướng đặt vấn đề và yêu cầu các địa phương quan tâm sâu sát việc này.
Phó Thủ tướng chỉ đạo: Thời gian tới, các địa phương có rừng tiếp tục rà soát quy hoạch và phấn đấu hoàn thành công tác kiểm kê về rừng vào cuối năm 2016. Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đất sang mục đích khác bởi nếu không kiểm soát chặt việc chuyển đổi này thì sẽ tiếp tục mất rừng.
Chú trọng kêu gọi xã hội đầu tư vào ngành lâm nghiệp bởi ngành này còn nhiều dư địa cho các doanh nghiệp vào đầu tư. Bộ NN&PTNT cần tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo các địa phương thực hiện việc trồng rừng, đặc biệt là nhiệm vụ trồng rừng ven biển, kè mềm chống biến đổi khí hậu. Bộ KH&ĐT đưa chỉ tiêu hoàn thành đề án phát triển rừng bền vững trong nhiệm vụ kinh tế-xã hội để trình
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Phó Thủ tướng đôn đốc 20 tỉnh, thành phố còn lại hoàn thành việc triển khai bản đồ số và kiểm kê rừng vào cuối năm 2016.
Về tổng thể, Phó Thủ tướng cho rằng cần huy động tổng hợp các nguồn lực hỗ trợ của quốc tế thông qua các dự án về REDD+, các dự án khôi phục, phát triển các hệ sinh thái rừng, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, cần nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng. Rà soát các dự án bảo vệ và phát triển rừng theo hướng gắn kết thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng với tái cơ cấu ngành lâm nghiệp. Nâng cao chất lượng rừng trồng, sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Kiên quyết xử lý nghiêm, xem xét thu hồi giấy phép, dừng hoạt động đối với những dự án không chấp hành trồng rừng thay thế.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục rà soát các DNNN để cổ phần hóa
Ngày 9/12, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp đã dự hội nghị tổng kết 5 năm (2011-2015) thực hiện sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN) của ngành giao thông vận tải (GTVT). Phó Thủ tướng cho rằng Bộ GTVT là cơ quan đi đầu trong cổ phần hóa DNNN và đổi mới hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Cụ thể, tới hết năm 2015, Bộ đã hoàn thành vượt mức kế hoạch cổ phần hóa DNNN, đến nay, 137 DNNN đã hoàn thành cổ phần hóa, trong đó có 16 Tổng công ty có quy mô lớn, tăng 67 DN so với kế hoạch.
Đến hết năm 2015, sẽ hoàn thành bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) 124 DN, trong đó có 12 Tổng công ty, thực hiện nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp tại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước tổng số tiền là 1.701 tỷ đồng (chưa bao gồm Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam).
Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: “Ngay khi Trung ương có chủ trương thì Bộ GTVT cũng đi đầu trong thực hiện đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập, thể hiện sự tích cực, tác động mạnh mẽ vào lĩnh vực này là thoái vốn ở nơi nhà nước không cần nắm giữ và nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, phục vụ tốt hơn số lượng và chất lượng dịch vụ cho người dân”.
Trưởng Ban chỉ đạo cũng đánh giá cao hoạt động thoái vốn của các DN thuộc Bộ, giá trị vốn thoái đạt gần 4.400 tỷ đồng, tăng gấp 1,8 lần so với mức bình quân chung. Dự kiến quý I/2016, Bộ sẽ hoàn thành thoái toàn bộ vốn tại các Tổng công ty.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng đánh giá cao hiệu quả hoạt động của 18 Công ty mẹ -Tổng công ty sau cổ phần hóa hiệu quả hơn trước, thể hiện ở tổng tài sản đạt 207.929 tỷ đồng, tăng 35%, tổng vốn chủ sở hữu đạt 68.012 tỷ đồng, tăng 200%, nợ phải trả là 119.377 tỷ đồng. Đặc biệt tỷ suất nợ vay/vốn chủ sở hữu giảm 200%, từ 3,52 lần xuống còn 1,76 lần.
Đối với các DN 100% vốn nhà nước thuộc Bộ GTVT, tổng doanh thu tăng trưởng 15,28%, tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 194,84%, bình quân tăng 48,7%/năm; nộp ngân sách nhà nước tăng 51,52%, bình quân tăng 12,85%/năm; thu nhập bình quân người lao động tăng 32,28%, bình quân tăng 8,07%/năm. Phó Thủ tướng cho rằng những con số trên cho thấy tính hiệu quả trong việc thực hiện chủ trương cổ phần hóa, đổi mới hoạt động của DNNN của Bộ GTVT.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng biểu dương Bộ GTVT đã chủ động tháo gỡ và phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xử lý những vướng mắc để triển khai nhanh cổ phần hóa DNNN. “Có những chính sách, trong đó có những đề xuất, cơ chế của Bộ GTVT đã chuyển thành cơ chế chung ví dụ như cơ chế bán vốn theo lô đã tháo gỡ kịp thời những vướng mắc của việc bán vốn nhà nước”, Phó Thủ tướng nói.
Thời gian tới, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục rà soát các DNNN để cổ phần hóa. Những DNNN đã cổ phần hóa rồi nhưng chưa tìm được nhà đầu tư chiến lược thì tiếp tục tìm kiếm các nhà đầu tư này.
“Các DN sau cổ phần hóa tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động, khả năng quản trị tiên tiến để hội nhập thành công vào nền kinh tế toàn cầu”, Phó Thủ tướng nói. Đồng thời cũng nhấn mạnh Bộ GTVT chỉ đạo việc hoàn thành tái cơ cấu với một số đơn vị còn gặp khó khăn như Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC) và Tổng công ty hàng hải Việt Nam (Vinalines).
Đối với hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GTVT cần có sơ kết việc thực hiện thí điểm chuyển thành công ty cổ phần trước khi làm rộng rãi ra các đơn vị khác. “Phải chứng minh được hiệu quả rõ thì sẽ làm”, Phó Thủ tướng nói.
Nỗ lực vì một Cộng đồng ASEAN không ma túy
Ngày 9/12, tại phiên khai mạc Hội nghị ba bên và song phương cấp Bộ trưởng lần thứ 15 về hợp tác phòng, chống ma túy giữa Việt Nam, Lào, Campuchia, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Sự hợp tác, gắn kết chặt chẽ giữa Việt Nam-Lào-Campuchia là yếu tố quan trọng đảm bảo sự thành công trong công tác phòng, chống ma túy của mỗi nước, cũng như khẳng định nỗ lực thực hiện tầm nhìn và mục tiêu của một Cộng đồng ASEAN không ma túy sau năm 2015.
Từ Hiệp định về hợp tác phòng, chống ma túy năm 1998 và các hội nghị cấp Bộ trưởng song phương giữa ba nước Campuchia, Lào và Việt Nam về phòng, chống ma túy, đến năm 2001, cơ chế Hội nghị cấp Bộ trưởng ba bên, gắn với hội nghị song phương đã ra đời, khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng và đã đóng góp thiết thực vào việc tăng cường hợp tác chặt chẽ giữa ba nước trong lĩnh vực phòng, chống ma túy, vốn rất khó khăn, phức tạp.
Đây là diễn đàn quan trọng để ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia cùng nhau trao đổi, thảo luận và đưa ra nhiều sáng kiến và giải pháp hiệu quả đối với công tác phòng, chống ma túy.
Nhiều hoạt động trợ giúp tập huấn, đào tạo; trao đổi thông tin, kinh nghiệm; phối hợp đấu tranh chống tội phạm ma tuý từ cấp Trung ương đến địa phương giữa 3 nước đã được triển khai thực hiện. Kết quả mỗi năm, có hàng trăm vụ mua bán, vận chuyển ma túy lớn được ngăn chặn.
Trao đổi với các đại biểu dự hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Chính phủ Việt Nam luôn chú trọng và đã huy động toàn xã hội tham gia công tác phòng, chống ma túy bằng các giải pháp đồng bộ nhằm giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại ma túy. Hệ thống pháp luật về phòng, chống ma túy tiếp tục được hoàn thiện.
Công tác cai nghiện được đổi mới theo hướng thân thiện, tự nguyện với phương châm coi người nghiện là bệnh nhân cần được chữa trị, trợ giúp.
Tình hình trồng cây có chất ma túy đã được kiểm soát một cách cơ bản và vững chắc. Hiệu quả công tác đấu tranh chống tội phạm ma túy ngày càng được nâng lên, nhiều vụ mua bán, vận chuyển ma túy lớn, xuyên quốc gia đã bị phát hiện, điều tra, truy bắt và xét xử.
“Những kết quả của công tác phòng, chống ma túy đã góp phần quan trọng đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, khu vực Đông Nam Á vẫn là một trong những nơi sản xuất, tiêu thụ ma túy gốc thuốc phiện lớn và là thị trường tiêu thụ ma túy tổng hợp cũng như thuốc kích thần lớn nhất thế giới.
“Điều đó đặt ra cho lực lượng bảo vệ pháp luật, cho Chính phủ các nước những thách thức to lớn. Đồng thời cho thấy ma túy là vấn đề xuyên biên giới, mang tính quốc tế. Từng quốc gia riêng rẽ không thể giải quyết được”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng, hơn lúc nào hết, ba nước Campuchia, Lào và Việt Nam cần tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn nữa, huy động nguồn lực trong nước, sự hợp tác của các nước, các tổ chức khu vực, quốc tế, các diễn đàn đa phương về phòng, chống ma túy.
“Sự gắn kết giữa ba nước sẽ tạo thêm sức mạnh và là yếu tố quan trọng đảm bảo sự thành công trong công tác phòng, chống ma túy của mỗi nước”, Phó Thủ tướng tin tưởng và mong muốn “Hội nghị sẽ đưa ra những giải pháp hiệu quả để công tác phòng, chống ma túy ở mỗi nước có bước tiến mạnh mẽ, rõ rệt trong điều kiện còn rất nhiều khó khăn, thách thức”. Đồng thời thông qua hội nghị, một lần nữa ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia cùng khẳng định nỗ lực thực hiện tầm nhìn và mục tiêu của một Cộng đồng ASEAN không ma túy sau năm 2015: Không khoan nhượng với ma túy, không chấp nhận xu hướng hợp pháp hóa sử dụng ma túy.
Nguồn Văn phòng Chính phủ